Trước viễn tượng Đức Thánh Cha viếng thăm Kazachstan

Trước viễn tượng Đức Thánh Cha viếng thăm Kazachstan



Cuộc viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Cộng hòa Kazachstan đặc biệt thu hút dư luận thế giới về tương quan giữa Đức Thánh Cha với Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga, Hội nghị quốc tế các vị lãnh đạo tôn giáo thế giới, và sau cùng là tình trạng Giáo Hội Công Giáo tại Kazachstan.

Giuse Trần Đức Anh, O.P

 Một ngày sau khi chính thức thông báo Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm thành phố Nur-Sultan của Cộng hòa Kazachstan từ ngày 13 đến 15-9 tới đây, nhân dịp Hội nghị lần thứ VII các vị lãnh đạo Thế giới và các truyền thống tôn giáo, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố chương trình viếng thăm, theo đó sau khi đến nơi Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ Tổng thống, các giới chính quyền, đại diện các tầng lớp xã hội và ngoại giao đoàn.

 Sáng hôm sau, thứ tư 14-9, Đức Thánh Cha sẽ tham dự và phát biểu trong buổi lễ khai mạc Hội nghị và sau đó sẽ gặp riêng một vài vị lãnh đạo tôn giáo. Ban chiều cùng ngày được dành cho Thánh lễ với các tín hữu Công Giáo. Sáng thứ năm 15-9, Đức Thánh Cha sẽ gặp các Giám Mục, Linh Mục, phó tế, tu sĩ, các chủng sinh và nhân viên mục vụ. Lúc 3 giờ chiều cùng ngày, Đức Thánh Cha trở lại tòa nhà Hòa bình và Hòa giải, để dự phần công bố tuyên ngôn chung kết và bế mạc Hội nghị, rồi ra phi trường đáp máy bay về Roma.

 Tương quan với Đức Giáo Chủ Chính Thống Nga

 Cuộc viếng thăm ngắn ngủi này cũng đủ thu hút sự chú ý đặc biệt: trước tiên là cuộc gặp gỡ có thể giữa Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ Kirill, Giáo Chủ Chính Thống Nga. Trong những tuần trước đây, Đại Sứ Ucraina cạnh Tòa thánh cho biết sẽ làm hết cách để Đức Thánh Cha đừng gặp Đức Thượng Phụ Kirill. Một số dư luận cho rằng vị Thượng Phụ này ủng hộ chính sách của Tổng thống Putin vì thế đáng lên án, và có Giáo Hội Kitô yêu cầu trục xuất Chính Thống Nga ra khỏi Hội đồng các Giáo Hội Kitô ở Genève.

 Chắc chắn dư luận muốn biết cuộc gặp gỡ này giữa Đức Thánh Cha và vị Giáo Chủ Chính Thống Nga có diễn ra hay không và hai vị sẽ nói gì với nhau.

 Hội nghị các vị lãnh đạo tôn giáo

 Từ 19 năm qua, tức là từ năm 2003, chính phủ Kazachstan đã tổ chức 6 Hội nghị các vị lãnh đạo tôn giáo thế giới, cứ 3 năm một lần, về sự đóng góp của các tôn giáo cho hòa bình và sự hòa hợp trên thế giới, nhưng phải nhận rằng dư luận quần chúng ít chú ý đến các hội nghị này, tuy rằng con số các phái đoàn từ các nước đến tham dự gia tăng với thời gian: trong Hội nghị đầu tiên năm 2003, chỉ có một số ít tham dự; 3 năm sau, 2006, có 29 đoàn từ 20 nước; Hội nghị năm 2009 có 77 đoàn từ 35 nước; sang đến Hội nghị thứ 4 vào năm 2012, có 85 đoàn từ 40 nước đến dự; năm 2015, con số các đoàn hầu như không thay đổi. Hội nghị thứ 6 hồi năm 2018 có 82 phái đoàn từ 42 nước, và bàn về đề tài: “Các tôn giáo thế giới cho một thế giới an ninh”.

 Hội nghị năm 2022

 Hội nghị vào trung tuần tháng 9 tới đây sẽ bàn về vai trò các vị lãnh đạo thế giới và các truyền thống tôn giáo trong sự phát triển tinh thần và xã hội của nhân loại thời hậu đại dịch.

 Đề tài này bao gồm 4 phần:

 Trước tiên là vai trò các tôn giáo trong việc thăng tiến các giá trị tinh thần và văn hóa trong thế giới tân tiến hiện đại. Tiếp đến là vai trò của giáo dục và sự soi sáng tôn giáo trong việc tăng cường sự sống chung hòa bình trong tinh thần tôn trọng giữa các tôn giáo và văn hóa, công lý và hòa bình. Thứ ba là sự đóng góp của các vị lãnh đạo tôn giáo và các nhà chính trị vào việc thăng tiến đối thoại liên tôn và hòa bình thế giới, chống lại trào lưu cực đoan, khủng bố, đặc biệt là nạn khủng bố dựa trên tôn giáo. Sau cùng là sự đóng góp của nữ giới vào an sinh và sự phát triển lâu bền của xã hội và vai trò của các cộng đoàn tôn giáo trong việc hỗ trợ vị thế xã hội của phụ nữ.

 Tình hình Giáo Hội Công Giáo tại Kazachstan

 Ngoài các lãnh vực trên đây, dư luận chắc chắn cũng chú ý đến tình hình đất nước và tôn giáo nói chung và của Công Giáo nói riêng tại Kazachstan.

 Kazachstan là một lãnh thổ rộng lớn với 2 triệu 700 ngàn cây số vuông, đứng thứ 9 trên thế giới về diện tích, gấp 8 lần Việt Nam, Nước này bị xáp nhập vào Nga hồi thế kỷ 18, dưới thời Nga Hoàng Catherine Đại Đế. Bà gửi các Linh Mục Công giáo đến làm việc mục vụ cho các tín hữu công nhân người Đức và Hòa Lan đến khai phá vùng này. Được độc lập ngày 16-12-1991 sau khi đế quốc Liên Xô tan rã, lãnh thổ Kazachstan ngày nay chỉ có khoảng 19 triệu dân cư thuộc hơn 130 sắc dân khác nhau, trong đó một nửa là người Kazachi bản xứ, 30% là người Nga. Tuy chính phủ hiện nay muốn dành ưu tiên cho người Kazako và ngôn ngữ này, nhưng cho đến nay, chỉ có 2% dân số tại Kazachstan nói tiếng kazako, và tất cả đều sử dụng tiếng Nga.

 Kazachstan có khoảng 70% dân số là tín hữu Hồi giáo, và Kitô giáo chiếm 26% trong đó đa số thuộc Chính Thống Nga.

 Số tín hữu Công Giáo tại Kazachstan vào khoảng 250 ngàn người, thuộc 1 tổng giáo phận Astana, 2 giáo phận thuộc hạt là Almaty và Karaganda, và miền giám quản Tông Tòa Atyrau.

 Số tín hữu Công Giáo tại đây quá một nửa là người gốc Ba Lan, phần còn lại là người gồc Ý, Đức, Tây Ban Nha, v.v.

 Tuy là thiểu số, nhưng các tín hữu Công Giáo đã hiện diện từ thế kỷ 13 tại nước này, và máu các vị tử đạo đã tưới gội tại đây, nhất là trong thế kỷ 20. Trong số các vị tử đạo được Tòa Thánh tôn phong chân phước hồi cuối tháng 6 năm 2001, đặc biệt có một Giám Mục và một Linh Mục bị giam và chết rũ tù trong các nhà giam gần thành phố Karaganda, mạn trung Kazachstan, đó là Đức Tổng Giám Mục Budka và Cha Zaricki.

 Cuộc viếng thăm của Đức Gioan Phaolô 2

 Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là vị Giáo Hoàng thứ 2 đến thăm Kazachstan. Vị đầu tiên là thánh Gioan Phaolô II. Ngài đến thăm nước này trong hơn 3 ngày từ 22 đến 25-9-2001, trước khi sang thăm nước Armeni. Cuộc viếng thăm của ngài được 500 ký giả, trong đó có 300 người đến từ nước ngoài, đến Kazachstan để theo dõi và tường thuật các hoạt động của ngài.

 Cuộc viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II bấy giờ có chủ đề là “Các con hãy yêu mến nhau”. Giới răn này của Chúa có tầm quan trọng đặc biệt đối với xã hội Kazachstan với hàng trăm nhóm chủng tộc và quốc tịch, thuộc các tôn giáo khác nhau, Vì thế, lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Các con hãy yêu mến nhau” có thể là một yếu tố căn bản đối với tương lai của quốc gia này.

 Trong ý hướng đó, ngay từ diễn văn đầu tiên, Đức Gioan Phaolô II đã đặc biệt khuyến khích sự sống chung hòa bình giữa các chủng tộc tại Kazachstan và nói rằng: “Ngày nay, tại đất nước anh chị em, một trong những nước rộng lớn nhất thế giới, các công dân thuộc hằng trăm chủng tộc và sắc dân sống cạnh nhau, mỗi chủng tộc đều được Hiến Pháp bảo đảm cùng những quyền lợi và tự do. Tinh thần cởi mở và cộng tác này thuộc về truyền thống của anh chị em, vì Kazachstan luôn là một phần đất có nhiều chủng tộc và văn hóa cùng sống chung với nhau….

 “Hỡi các dân tộc quí mến tại Kazachstan! Sau khi đã học được những kinh nghiệm từ quá khứ xa gần của anh chị em, đặc biệt là từ những biến cố đau thương của thế kỷ 20, anh chị em cần làm sao để sự dấn thân phục vụ đất nước của anh chị em luôn dựa trên sự bảo tồn tự do, vốn là một quyền bất khả nhượng và là khát vọng sâu xa của mỗi người. Đặc biệt là nhìn nhận quyền tự do tôn giáo, làm cho con người được biểu lộ những tín ngưỡng sâu thẳm nhất của mình. Trong mỗi xã hội, nếu các công dân chấp nhận nhau về phương diện tín ngưỡng, thì sẽ dễ cổ võ nơi họ sự nhìn nhận thực sự các nhân quyền khác và hiểu các giá trị làm nền tảng cho sự sống chung hòa bình và sinh nhiều lợi ích. Thực vậy, họ cảm thấy một mối giây liên hệ chung với ý thức mình là anh chị em với nhau, vì cùng là con của một Thiên Chúa đấng tạo dựng vũ trụ.

 Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Dân tộc Kazachstan yêu quí, một sứ mạng đầy thách đố đang chờ đợi anh chị em: đó là xây dựng một quốc gia dưới lá cờ tiến bộ đích thực, trong liên đới và hòa bình. Hỡi Kazachstan, lãnh thổ của các vị tử đạo và của các tín hữu, đất của những người bị lưu đày và của các anh hùng, đất của các nhà trí thức và nghệ sĩ, đừng sợ gì! Nếu những vết thương gây ra cho anh chị em vẫn còn sâu đậm, nếu những khó khăn và chướng ngại còn cản trở công cuộc tái thiết về tinh thần và vật chất của anh chị em, anh chị em sẽ tìm được sự khích lệ trong câu nói của đại văn hào Abai Kunanbai: “Yêu thương và công lý là những nguyên tắc của nhân loại, các nguyên tắc đó là kết quả công trình của Đấng Tối Cao” (Sayings, chapter 45).



Source link

administrator

Related Articles