Câu chuyện của sơ Ibtisam ở nước Iraq bị giày xéo vì chiến tranh

Câu chuyện của sơ Ibtisam ở nước Iraq bị giày xéo vì chiến tranh



Sơ Ibtisam Habib Gorgis, một Nữ tu Dòng Phan sinh Thừa sai Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ Maria, sinh ra tại Qaraqosh, Iraq, nói rằng chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô là “một sự phục hồi sự sống”.

Roberto Cetera

Giêrusalem, tháng 7/2022

Ibtisam Habib Gorgis là một nữ tu người Iraq, thuộc Dòng Phan sinh Thừa sai Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ Maria. Chúng tôi gặp sơ ở Giêrusalem, nơi sơ lưu lại trong một thời gian ngắn để tĩnh tâm. Sơ có một nụ cười dễ lây lan, giọng nói nhanh nhẹn và một khuôn mặt truyền tải sự thanh thản và bình an nội tâm. Sơ đã được kêu gọi để làm nhân chứng về những tàn bạo của cuộc chiến diễn ra tại đất nước của sơ.

Sơ Ibtisam sinh ra và lớn lên ở Qaraqosh, một thành phố ở miền bắc Iraq, chỉ cách Mosul 30 km, và gần tàn tích của thành cổ Ninivê. Phương ngữ được nói ở đó có nguồn gốc từ tiếng Aram. Sơ nói với vẻ tự hào: “Chúng tôi nói ngôn ngữ của Chúa Giêsu”; nhưng sơ cũng nói thông thạo và chính xác tiếng Ý mà sơ đã học được trong những năm nhà tập trong dòng. Qaraqosh là một vùng đất nhỏ theo Kitô giáo ở miền bắc Iraq, với hai truyền thống Assyria và Can-đê, nhưng họ luôn sống trong hòa bình và tôn trọng lẫn nhau với những người láng giềng Hồi giáo.

Sơ Ibtisam chia sẻ về việc một thiếu nữ Iraq quyết định trở thành một nữ tu: “Thật ra tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều đó, vì dù sống trong một môi trường phụ hệ và truyền thống nhưng tôi luôn rất độc lập. Tôi rất hãnh diện với sự tự do của mình. Ngay cả bây giờ khi tôi đội tấm khăn lúp này”.

“Tôi theo học nhóm đại học Công giáo, nơi tôi học về sinh học. Lúc đó phải nói là chúng tôi sống trong hoàn cảnh không đến nỗi tồi tệ: sau Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, chúng tôi bị cô lập với thế giới, không hiểu chuyện gì đang xảy ra bên ngoài biên giới của mình, nhưng chúng tôi sống trong hòa bình. Ông Tareq Aziz, bộ trưởng ngoại giao – trong thực tế là thủ tướng – là một Kitô hữu Can-đê và đến từ Tel Keppe, rất gần với Qaraqosh. Có một điều mà tôi thực sự thích về sự dấn thân tích cực của tôi trong giới trẻ Công giáo: giúp đỡ người nghèo. Tôi tìm thấy niềm vui khi làm điều tốt. Đó không phải là một sự thỏa mãn tự cao tự đại, nó mang lại cho tôi sự bình an nội tâm, nó trả lại cho tôi ý nghĩa chân thật nhất của con người: sống với người khác và vì người khác.

Nhưng tôi vẫn chưa tìm được nơi nào để thực hiện trọn vẹn mong ước của mình. Rồi có một tu sĩ dòng Phanxicô đến thăm chúng tôi và tôi đã rất ấn tượng về vị tu sĩ này: Sau đó tôi đã đọc tiểu sử của Thánh Phanxicô và một chút ánh sáng bừng lên trong lòng tôi. Tiếp đến, hai nữ tu người Ý đến và mời tôi đến thăm tu viện của họ ở Jordan. Khi đó tôi ở độ tuổi mà ở đất nước chúng tôi là độ tuổi để lập gia đình. Nhưng tôi muốn tự do.

Khi gia đình tôi cảm thấy tôi đang hướng đến một cuộc sống khác, họ phản ứng mạnh mẽ. “Đây là con gái tôi, không phải của các sơ,” cha tôi nói với các nữ tu đang đến trước cửa nhà, ngăn họ vào nhà. Cuối cùng, sau nhiều lần nài nỉ, cha tôi đã không phản đối nữa và cho phép tôi đến Jordan. Chú tôi đồng hành với tôi trong chuyến đi kéo dài 18 tiếng, do đất nước chúng tôi bị cấm vận.

Việc gia nhập dòng không hề dễ dàng, tôi không hiểu ngôn ngữ lắm, tôi phải học tiếng Ý, các nữ tu theo nghi lễ Syriac chứ không theo nghi lễ Latinh, nên tôi không hiểu gì về Thánh lễ cũng như những giờ Kinh Sáng, Kinh Chiều và nhất là một trật tự cuộc sống mà tôi chưa từng biết. Rồi đến nghi thức cắt tóc, có vẻ hơi gây sốc; đó là một vết cắt thực sự đối với cuộc sống trước đây. Nhưng, bất chấp tất cả những khó khăn phải vượt qua, tôi ngày càng cảm thấy tâm hồn bình an hơn. Những thay đổi trong cuộc sống nói chung tạo ra sự bồn chồn, lo lắng; sự thay đổi này, mặc dù rất triệt để, nhưng ngược lại đã khơi dậy trong tôi rất nhiều bình an.

Chúng tôi gồm bốn thiếu nữ đến từ Qaraqosh, và đây là một niềm an ủi đối với tôi; ít nhất là có ai đó mà tôi có thể nói chuyện và được hiểu. Sau 9 tháng, tôi được phép về quê gặp lại bố mẹ, sau đó họ gửi tôi sang Ý để thực hiện năm nhà tập”.

Sau đó sơ Ibtisam trở lại Trung Đông. Sơ chia sẻ: “Đầu tiên họ gửi tôi đến Đất Thánh, đến Bêlem và Nadarét, và sau đó ba năm đến Baghdad, tham gia vào lãnh vực giáo dục. Cho đến ngày 6 tháng 8 năm 2014 kinh hoàng đó. Khi đó tôi đang ở quê nhà. Daesh đã vào vùng Ninivê. Không có nước và điện trong các ngôi nhà. Sau đó, chúng tôi nghe thấy một tiếng nổ. Một ngôi nhà ở ngoại ô đã bị trúng tên lửa. Chúng tôi vội vã đến đó, và chỉ tìm thấy đống đổ nát và xác chết. Những người chết được chôn cất, và sau đó bắt đầu cuộc di tản hàng loạt. Năm mươi ngàn người, không phân biệt tôn giáo hay chính trị, đã rời bỏ nhà cửa và thành phố. Chúng tôi nghe những câu chuyện kinh hoàng ở những khu vực đã bị Daesh chiếm đóng, và do đó không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chạy trốn. Cần bảo đảm rằng khi vào Qaraqosh, Daesh không còn tìm được bất kỳ ai nữa.

Chúng tôi đã giúp càng nhiều người càng tốt, và bằng mọi cách, chạy trốn. 120 ngàn người từ khắp vùng Ninivê hướng về Kurdistan. Các nữ tu chúng tôi ở lại cho đến cuối cùng, một phần để giúp đỡ những người bị di dời và một phần vì chúng tôi không biết phải đi đâu. Chúng tôi ngủ ngoài đường để sẵn sàng di tản. Sau đó, Đức giám mục ra lệnh cho chúng tôi rời đi: chúng tôi là những người cuối cùng rời Qaraqosh, chúng tôi rời đi lúc hai giờ sáng và những đoàn quân đầu tiên của Daesh chiếm thành phố lúc năm giờ. Khi dân quân tiến vào một thành phố, họ đưa ra ba lựa chọn: hoặc bạn trở thành người Hồi giáo, hoặc bạn trả tiền, hoặc họ giết bạn. Hầu như gia đình nào cũng có người chết. Một phần tư số ngôi nhà bị đốt cháy, tất cả đều bị cướp phá và các nhà thờ bị phá hủy. Chúng tôi đã làm việc với toàn thể Giáo hội Công giáo để giúp đỡ những người phải di tản đã sống nhiều tháng trong lều hoặc trong những ngôi nhà tạm bợ. Sau đó, chúng tôi được đưa trở lại Đất Thánh, băng qua biên giới Jordan.

Một đêm kéo dài hơn hai năm. Qaraqosh được giải phóng vào ngày 19 tháng 10 năm 2016, với trận chiến Mosul. Sau ngày đó, một số cư dân bắt đầu quay trở lại. Nhưng nhiều người, đặc biệt là những người đã tìm nơi ẩn náu ở nước ngoài, đã không bao giờ trở về. Ngày nay tình hình còn nhức nhối, việc tái thiết chậm chạp, không có việc làm, rất nghèo khổ”.

 “Hiện nay tôi đã trở lại đất nước của mình. Và cùng với hai nữ tu cùng dòng, tôi quản lý một trường mẫu giáo với hơn 500 trẻ em. Chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô năm ngoái là một bước cơ bản trong kinh nghiệm của chúng tôi. Nó đã mang lại chúng tôi một hơi thở, lần đầu tiên sau nhiều năm chúng tôi cảm thấy có một người thực sự quan tâm đến chúng tôi, một người yêu thương chúng tôi. Nó khiến chúng tôi cảm thấy rằng chúng tôi là một giá trị cho Giáo hội. Chúng tôi đang sống và chúng tôi đang ở trong đức tin. Ngài đã cho chúng tôi niềm tự hào giữa các tôn giáo khác, giữa những người Hồi giáo, những người cũng như chúng tôi, đã thoát khỏi sự tàn bạo của Daesh. Chỉ khi chúng tôi nhìn thấy và chạm vào Đức Thánh Cha Phanxicô ở mảnh đất này, ở đây bên cạnh chúng tôi, chúng tôi mới nhận ra rằng mọi chuyện đã kết thúc. Nó đã thực sự kết thúc, và bây giờ chúng tôi có thể lật sang trang mới. ‘Chuyến viếng thăm’ của Đức Thánh Cha Phanxicô không chỉ là một cuộc viếng thăm, đó là sự phục hồi sự sống”.



Source link

administrator

Related Articles