Tổng quan về Giáo hội Công giáo tại Kazakhstan

Tổng quan về Giáo hội Công giáo tại Kazakhstan



Là một cộng đoàn thiểu số tại Kazakhstan, Giáo hội Công giáo Kazakhstan có tương quan tốt đẹp với Nhà nước Kazakhstan, cổ võ sự chung sống hài hoà giữa các tín ngưỡng và tích cực hoạt động bác ái xã hội để thăng tiến quốc gia.

Hồng Thủy – Vatican News

Trong những ngày này, từ 13 đến 15 tháng 9 năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đang viếng thăm Kazakhstan, một quốc gia nằm ở vùng Trung Á, giáp với Nga ở phía Bắc và phía Tây, với Trung Quốc ở phía Đông và Kyrgyzstan, và với Uzbekistan và Turkmenistan ở phía Nam.

Khoảng 70% dân Kazakhstan là người Hồi giáo, 26% là Kitô hữu với đa số theo Chính thống giáo Nga. Giáo hội Công giáo ở Kazakhstan là một cộng đoàn Công giáo bé nhỏ, với khoảng 125 ngàn trong tổng số gần 19 triệu dân, tức là chỉ chiếm khoảng gần 1% dân số.

Giáo hội Công giáo tại Kazakhstan

Công giáo có thể đã đến Kazakhstan từ thế kỷ 13. Năm 1253, vua thánh Louis của Pháp đã cử một số nhà truyền giáo đến lãnh thổ này và từ đó hướng đến Mông Cổ. Sau đó, 25 năm sau, vào năm 1278, Đức Giáo hoàng Nicôla III giao toàn bộ việc truyền giáo tại khu vực Trung Á cho Dòng Phanxicô. Trong nửa đầu thế kỷ 14, các tu sĩ dòng Phanxicô đã xây dựng một tu viện nhỏ và một nhà thờ lớn ở thành phố Almalyk.

Vào thời điểm đó, Đức Giáo hoàng Gioan XXII đã gửi một bức thư cho Chagatai Khan, con trai thứ hai của Thành Cát Tư Hãn, để cảm ơn ông vì lòng tốt đối với các Kitô hữu trong vương quốc của ông. Tuy nhiên, vào năm 1340, các cuộc bách hại bắt đầu, và không có ghi chép nào về sự hiện diện của các Kitô hữu trong khu vực cho đến giữa thế kỷ 19, khi lãnh thổ Kazakhstan nằm dưới sự cai trị của Đế chế Nga.

Các tín hữu Công giáo nghi lễ Latinh bắt đầu đến Kazakhstan vào đầu thế kỷ XX. Họ là những người lính của quân đội Nga, hoặc những người lưu vong, những người bị trục xuất, các tù nhân chiến tranh, những người định cư và tị nạn. Nhiều người tị nạn Công giáo và tù nhân chiến tranh đã đến đây trong Thế chiến thứ nhất.

Năm 1917, giáo xứ Pietropavlovsk có khoảng 5.000 tín hữu, trong khi giáo xứ Kustanai có hơn 6.000. Những người Công giáo khác thuộc các quốc tịch khác nhau đã đến như những người bị trục xuất trong suốt bảy thập kỷ của chế độ Xô Viết.

Việc Liên Xô bị giải thể và Kazakhstan độc lập sau đó vào năm 1991 cũng là một bước ngoặt đối với Giáo hội Công giáo Kazakhstan nhỏ bé.

Quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh

Dấu mốc đầu tiên của sự phát triển này là việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, vào ngày 17 tháng 10 năm 1992, tiếp theo là ngày 24 tháng 9 năm 1998, bằng việc ký kết một Hiệp ước quan trọng về quan hệ song phương. Qua Hiệp ước này, chính phủ Kazakhstan đã cho Giáo hội Công giáo được tự do thờ phượng, tự do ngôn luận qua các phương tiện truyền thông, và thực hiện các hoạt động mục vụ và xã hội của mình mà không bị hạn chế; thành lập, tổ chức và điều hành các cơ sở giáo dục; và tiếp cận đầy đủ các nhà tù và cơ sở y tế để hỗ trợ tinh thần.

Đối thoại liên tôn

Hai sự kiện này đánh dấu sự khởi đầu của sự hợp tác hiệu quả đang diễn ra giữa Giáo hội Công giáo và các giới chức Kazakhstan, đặc biệt là trong lĩnh vực đối thoại liên tôn.

Điều này được chứng thực bởi ba chuyến thăm chính thức tới Vatican của cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev (diễn ra vào năm 1998 để ký Hiệp ước về quan hệ song phương với Tòa thánh, vào năm 2003 và 2009), nhưng quan trọng nhất là bởi chuyến tông du của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào ngày 22 đến 25 tháng 9 năm 2001. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Giáo hoàng đến một quốc gia Trung Á.

Khẩu hiệu của chuyến tông du, “Hãy yêu thương nhau”, nhằm mục đích nhấn mạnh sự chung sống hòa bình của nhiều cộng đồng sắc tộc và tôn giáo ở Kazakhstan.

Những khía cạnh này đã được Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh nhiều lần trong ba ngày viếng thăm của ngài. Gặp gỡ những người trẻ tuổi tại Đại học Âu Á ở Astana vào ngày 23 tháng 9, ngài mô tả Kazakhstan là “vùng đất của sự gặp gỡ, giao lưu và mới mẻ; một vùng đất khơi dậy trong mọi người niềm khao khát khám phá mới và giúp họ có thể trải nghiệm sự khác biệt không phải là một mối đe dọa nhưng là làm cho phong phú.”

Cũng chính mong muốn thúc đẩy các giá trị của sự chung sống và đối thoại giữa các dân tộc và tín ngưỡng, trái ngược với những nỗ lực lợi dụng tôn giáo vì mục đích chính trị, đã truyền cảm hứng cho “Đại hội các nhà lãnh đạo của các tôn giáo truyền thống và thế giới”, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2003 tại Astana (hiện nay là Nur-Sultan) bởi cựu Tổng thống Nazarbayev, sau vụ khủng bố 11 tháng 9 năm 2001 ở Hoa Kỳ, và theo “tinh thần của Assisi”, các cuộc họp liên tôn vì hòa bình được tổ chức tại quê hương của Thánh Phanxicô và được triệu tập lần đầu tiên bởi Thánh Gioan Phaolô II vào năm 1986

Kể từ đó, các cuộc họp đã được tổ chức ba năm một lần tại thủ đô Kazakhstan – cuộc họp mới nhất diễn ra vào năm 2018 với chủ đề “Các nhà lãnh đạo tôn giáo vì một thế giới an ninh” – với sự tham dự của một phái đoàn từ Vatican. Điều này càng góp phần củng cố sự hợp tác giữa Kazakhstan và Tòa Thánh trong việc thúc đẩy đối thoại liên tôn.

Cơ cấu và hoạt động của Giáo hội Công giáo Kazakhstan

Trong bối cảnh này, Giáo hội ở Kazakhstan đã có thể tiếp tục thực hiện các hoạt động của mình như đã được Hiệp ước năm 1998 thiết định. Điều này bao gồm hoạt động từ thiện được thực hiện bởi Caritas Kazakhstan, từ năm 1997 đã đi đầu trong việc hỗ trợ người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất.

Ngày nay, các sáng kiến ​​của tổ chức bác ái Công giáo bao gồm các dịch vụ xã hội khác nhau trên khắp đất nước; quản lý một số trại trẻ mồ côi, và hỗ trợ bệnh nhân AIDS.

Hiện nay, các tín hữu Công giáo tại Kazakhstan được phân bổ trong 4 giáo phận: Tổng Giáo phận Đức Maria Rất Thánh ở Astana (nay là Nur-Sultan), Giáo phận Chúa Ba Ngôi ở Almaty, Giáo phận Karaganda và Giáo phận Đại diện Tông Tòa Atyrau, với tổng cộng 81 giáo xứ, được chăm sóc mục vụ bởi 6 giám mục, 104 linh mục dòng và triều. Tại nước này có khoảng 140 tu sĩ nam nữ, 50 giáo lý viên, 7 đại chủng sinh. Giáo hội Kazakhstan có 146 trung tâm mục vụ, điều hành 4 trường từ tiểu học đến trung học và một đại học, 2 trạm xá, 2 trung tâm chăm sóc người cao tuổi, thương tật và vị thành niên, 3 nhà trẻ mồ côi, 2 trung tâm tư vấn gia đình, 1 trung tâm giáo dục đặc biệt và 33 cơ sở khác.

Hội đồng Giám mục Trung Á 

Vào tháng 9 năm ngoái (2021), Giáo hội đánh dấu một cột mốc quan trọng mới, không chỉ từ khía cạnh tổ chức, với việc thành lập Hội đồng Giám mục Trung Á (CEVAC), quy tụ các Giáo hội Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan, Mông Cổ và Afghanistan.

Hội đồng giám mục liên quốc gia mới này đã nhóm họp lần đầu tiên vào ngày 26 đến 30 tháng 4 năm 2022, và bổ nhiệm Đức cha José Luis Mumbiela Sierra, giám mục của Almaty, làm chủ tịch đầu tiên. Đức cha Jerzy Maculewicz, Giám quản Tông Tòa của Uzbekistan, và Đức cha Evgeny Zinkovsky, Giám mục Phụ tá của Giáo phận Karaganda, lần lượt được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch và Tổng Thư ký của Hội đồng Giám mục Trung Á.



Source link

administrator

Related Articles