Trong một cuộc phỏng vấn được công bố ngày 03/8/2022, Đức Tổng Giám Mục Parla Tomasz Peta của Tổng Giáo phận Maria Santissima ở thủ đô Nur-Sultan giải thích rằng, đối với Giáo hội Công giáo và nhà nước, chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Kazakhstan là rất quan trọng. Đức Thánh Cha là sứ giả hòa bình và hiệp nhất, và tất cả những ai đang chờ đợi ngài đều muốn trở thành sứ giả của hòa bình và hiệp nhất.
Ngọc Yến – Vatican News
Ngày 01/8/2022, Phòng Báo chí Toà Thánh thông báo Đức Thánh Cha sẽ tông du đến Nur-Sultan, thủ đô của Kazakhstan từ ngày 13 đến 15/9, để tham dự Đại hội lần thứ 7 các lãnh đạo tôn giáo truyền thống và thế giới.
Ngày hôm sau, Vatican cũng đã công bố chương trình cụ thể cuộc viếng thăm trong ba ngày. Theo đó, vào ngày đầu tiên Đức Thánh Cha sẽ thăm hữu nghị Tổng thống Cộng hoà Kassim-Jomart Tokayev và gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại Phòng hoà nhạc Qazaq.
Vào thứ Tư 14/9, Đức Thánh Cha bắt đầu ngày mới bằng giây phút thinh lặng cầu nguyện tại Toà nhà Hoà bình và Hoà giải với các lãnh đạo tôn giáo truyền thống và thế giới đến tham dự Đại hội lần thứ 7. Sau đó, ngài tham dự phần khai mạc phiên họp toàn thể của sự kiện bằng một bài phát biểu. Tiếp đến, vào lúc 12 giờ Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ riêng với một số lãnh đạo các tôn giáo. Sự kiện cuối cùng trong ngày của Đức Thánh Cha là chủ sự Thánh lễ tại Quảng trường Expo vào lúc 16 giờ 45’.
Thứ Năm, ngày cuối cùng chuyến tông du, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ riêng với các tu sĩ Dòng Tên tại Toà Sứ thần. Sau đó ngài sẽ đến Nhà thờ Chính toà Mẹ Thiên Chúa Hằng Cứu Giúp để gặp gỡ các giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, chủng sinh và nhân viên mục vụ. Sự kiện cuối cùng của chuyến tông du một lần nữa sẽ diễn ra tại Toà nhà Hoà bình và Hoà giải, với việc đọc Tuyên bố cuối cùng bế mạc Đại hội các lãnh đạo tôn giáo. Vào lúc 16 giờ 15’, Đức Thánh Cha sẽ ra sân bay quốc tế Nur-Sultan, để tham dự nghi thức chào tạm biệt và trở về Roma.
Đại hội các lãnh đạo tôn giáo truyền thống và thế giới
Đại hội đầu tiên của các tôn giáo truyền thống và thế giới được tổ chức vào năm 2003 ở Astana, tên gọi thủ đô trước đây của Kazakhstan, theo khuôn mẫu “Ngày cầu nguyện cho hoà bình” trên thế giới đã được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II triệu tập tại Assisi vào tháng 01/2002, nhằm tái khẳng định sự đóng góp tích cực của các truyền thống tôn giáo cho việc đối thoại và hoà hợp giữa các dân tộc và quốc gia, sau những căng thẳng của vụ tấn công khủng bố ngày 11/11/2001. Tại Đại hội đầu tiên này, có 17 phái đoàn tôn giáo tham dự, tái khởi động khẩu hiệu đối thoại và tự do tôn giáo tại đại lục Á-Âu.
Trong lần tổ chức gần đây nhất, lần thứ 6, có hơn 80 phái đoàn được mời tham dự Đại hội các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới. Sự kiện diễn ra trong hai ngày 10 và 11/10/2018 tại Astana. Chủ đề Đại hội lần thứ 6 là “Lãnh đạo tôn giáo vì một thế giới an toàn”. Tổng thống Kazakhstan, ông Nursultan Nazarbayev có mặt cùng với các đại diện Hồi giáo, Kitô giáo, Phật giáo, Do Thái giáo, Ấn Độ giáo, Đạo giáo và các tổ chức dân sự. Một trong những vấn đề được đề cập tại Đại hội là kêu gọi sự đóng góp của các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị để đối phó với “chủ nghĩa cực đoan và khủng bố”.
Đại hội lần thứ 7 các lãnh đạo tôn giáo truyền thống và thế giới vào tháng 9 tới sẽ có chủ đề “Vai trò của các nhà lãnh đạo tín ngưỡng thế giới và truyền thống đối với sự phát triển tinh thần-xã hội của nhân loại sau đại dịch”.
Kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Toà Thánh và Kazakhstan
Ngoài tham dự Đại hội, chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Kazakhstan cũng nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Toà Thánh và Kazakhstan.
Ngày 31/5/2022, trong một thông cáo chung công bố tại Vatican, giữa Ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher và Ngoại trưởng Kazakhstan, ông Mukhtar Tileuberdi, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Kazachstan, có đoạn viết: “Trong ba thập niên vừa qua, Tòa Thánh và Kazachstan đã phát triển các mối dây thân hữu và cộng tác đa phương, dựa trên những quan hệ chặt chẽ và tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ những ưu tiên. Kazachstan chia sẻ quan điểm phổ quát của Giáo hội Công giáo dựa trên các lý tưởng sự tốt lành, công bằng, liên đới và cảm thông. Giáo hội Công giáo chào mừng vai trò của Kazachstan, trong việc thăng tiến đối thoại liên văn hóa và liên tôn.”
Thông cáo cũng nhắc lại năm 1998, Kazakhstan là nước đầu tiên ở Trung Á ký hiệp định quan hệ hỗ tương với Tòa Thánh. Thông cáo còn nói đến sự cộng tác của Tòa Thánh trong các lãnh vực y tế, văn hóa. Tòa Thánh và chính phủ Kazachstan chờ mong ký một hiệp định về việc cấp thị thực và giấy phép cư trú cho các thành phần của Giáo hội Công giáo.
Giáo hội Kazakhstan
Kazachstan rộng hơn một triệu cây số vuông, với dân số trên 17 triệu dân. Ở đây có khoảng 130 quốc tịch và các nhóm dân tộc sinh sống. Nhóm chính là người Kazakhstan khoảng 70%, và 30% còn lại thuộc 130 quốc tịch khác nhau. Về tôn giáo, có 72% là tín đồ Hồi giáo Sunnit, 23% Kitô hữu, trong đó Chính thống Nga chiếm đa số.
Kazakhstan là một quốc gia đã phải chịu nhiều đau khổ. Người dân thuộc các các quốc tịch khác nhau, nhưng đều phải chịu nhiều khó khăn. Và như vậy, tình liên đới và hòa bình đã lớn mạnh trên mặt đất này. Sau Cách mạng Nga, có các trại tập trung, phân nửa người Kazakhstan đã bị tiêu diệt. Tất cả nỗi đau này làm cho mọi người ngày nay đều khao khát hòa bình.
Giáo hội Công giáo tại nước này chỉ có khoảng 250.000 tín hữu thuộc năm giáo phận. Phần lớn các tín hữu Công giáo tại đây là con cháu của những người bị trục xuất tới đây thời cộng sản Xô Viết.
Lịch sử Kitô giáo và lịch sử Giáo hội Công giáo ở Kazakhstan rất lâu đời. Lịch sử này không phải là từ thời điểm bị trục xuất, nhưng đã bắt đầu trước đó rất lâu, vào những thế kỷ đầu tiên, khi Con đường Tơ lụa đi qua phía nam của Kazakhstan ngày nay, thời đó đã có các Kitô hữu. Sau đó, khi Hồi giáo đến, các tôn giáo khác biến mất trong khu vực này, nhưng Kitô hữu xuất hiện chủ yếu trong giai đoạn trục xuất.
Ngay từ thời Sa hoàng, người dân từ châu Âu, Lithuania, Ba Lan, các nước khác đã bị trục xuất đến đây, và tại đây các Kitô hữu tập trung cầu nguyện. Trước Cách mạng Tháng Mười, khi có cơ hội, các Kitô hữu đã xây dựng nhà thờ. Có rất nhiều nhà thờ ở Nga từ trước cuộc cách mạng này.
30 năm trước, có một triệu người Đức và các quốc tịch khác ở Kazakhstan. Khi độc lập đến, vài triệu người đã rời khỏi Kazakhstan trong số đó có vài trăm nghìn người Công giáo cũng đã ra đi.
Ở Kazakhsta hiện nay những người Công giáo không chỉ là những người thuộc các quốc gia theo truyền thống coi mình là người Công giáo như người Ba Lan, người Baltic, người Đức. Có thể nói, giờ đây Giáo hội Công giáo đã trở nên quốc tế và Công giáo hơn, các thành viên của Giáo hội thuộc khoảng 10 quốc tịch.
Giáo hội Công giáo Kazakhstan là thành viên của Hội đồng Giám mục Trung Á. Ngày 8/9/2021, với một sắc lệnh, Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc đã thành lập Hội đồng Giám mục Công giáo Trung Á, với mục đích quy tụ người Công giáo ở một số khu vực để chu toàn công tác mục vụ, cụ thể giúp các vị chủ chăn cùng nhau đáp ứng những thách đố chung và đảm bảo sự hỗ trợ lẫn nhau để giải quyết các vấn đề ở mỗi quốc gia. Hội đồng Giám mục Trung Á đã có cuộc họp đầu tiên vào tháng 4/2022.
Giáo hội Kazakhstan chuẩn bị chuyến tông du của Đức Thánh Cha
Mặc dù tình hình bất ổn, công việc chuẩn bị cho chuyến tông du của Đức Thánh Cha của Giáo hội Kazakhstan đang được tiến hành. Đức cha Adelio Dell’Oro, Giám mục của Karaganda miền nam Kazachstan cho biết, vào giữa tháng 6 ngài đã đến thủ đô để tham gia cuộc họp của uỷ ban tổ chức chuyến tông du. Các Giám mục Tiểu Á – Azerbaijan và Afghanistan – cũng tham dự cuộc gặp gỡ. Sau cuộc họp, một phái đoàn đã đi gặp chủ tịch thượng viện để bàn luận thống nhất chương trình.
Đức cha giải thích thêm: “Chắc chắn Đại hội lần thứ 7 các lãnh đạo tôn giáo là một sự kiện diễn ra bình thường trong những năm qua. Đối với chúng tôi không phải là một sự kiện mới. Nhưng điều mới mẻ theo tôi là sự tham dự của Đức Thánh Cha và việc ngài đến đây vào thời điểm lịch sử, với những gì đang xảy ra ở Ucraina, sẽ có một ý nghĩa quan trọng”.
Giám mục của Karaganda tin rằng sự hiện diện của Đức Thánh Cha tại Đại hội để nói rằng hoà bình là một ân ban của Chúa và các tôn giáo không phải là một trở ngại cho đời sống dân sự và xã hội, nhưng là một đóng góp để sống hoà bình và hoà hợp.
Đức cha Adelio Dell’Oro giải thích thêm rằng ở Kazakhstan, người Công giáo là thành phần thiểu số, nhưng trong xã hội này các tín hữu như là men không chỉ khơi lên niềm hy vọng nhưng trên hết là hoà bình, đón tiếp và tình huynh đệ. Ở đất nước này có hơn 100 quốc tịch, mọi người có thể nhìn nhận nhau là anh chị em là điều rất quan trọng. Ngài hy vọng đất nước này sẽ luôn sống đúng với ơn gọi mà Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã giao phó khi thực hiện cuộc viếng thăm vào 2001, đó là trở thành một vùng đất đón tiếp, là cầu nối giữa châu Âu và châu Á.
Đức cha tuyên bố rằng: “Chúng tôi hết lòng chờ đợi Đức Thánh Cha và hy vọng ngài có thể mang cho chúng tôi và thế giới một đóng góp hòa bình và liên đới”.
Còn về phần Đức Tổng Giám Mục Parla Tomasz Peta của Tổng Giáo phận Maria Santissima ở thủ đô Nur-Sultan, trong một cuộc phỏng vấn được công bố ngày 03/8/2022 ngài giải thích rằng, chuyến viếng thăm rất quan trọng đối với Giáo hội Công giáo, một đoàn chiên nhỏ ở Kazakhstan, và cả đối với nhà nước. Các việc chuẩn bị đang được tiến hành. Tất cả Kazakhstan đang chờ đợi Đức Thánh Cha với hy vọng lớn, và mong đợi một phúc lành lớn cho cả Giáo hội và xã hội. Đức Tổng Giám Mục nói: “Đức Thánh Cha là sứ giả hòa bình và hiệp nhất, và tất cả những ai đang chờ đợi ngài và những người sẽ chào đón ngài đều muốn trở thành sứ giả của hòa bình và hiệp nhất”.
Ngài nói thêm: “Tôi nghĩ rằng đây là kế hoạch của Thiên Chúa dành cho Kazakhstan, vùng đất đau khổ trong quá khứ, như tôi đã nói, Đại dương của Máu và Nước mắt là ngày nay nó đã trở thành một nơi đặc biệt cầu nguyện cho hòa bình. Hòa bình không thể có được chỉ từ các chính trị gia, cho dù họ có cố gắng đến đâu. Như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta, hòa bình trước hết được sinh ra trong tâm hồn con người và chiến tranh cũng bắt đầu từ đó. Và do đó nó cũng là một cuộc chiến thiêng liêng, và càng cầu nguyện nhiều thì càng có nhiều hy vọng và hòa bình”.