Cha Bauna, Giám đốc Trung tâm Phòng chống Tự tử One Body One Spirit (OBOS) do Giáo hội Hàn Quốc bảo trợ, có trụ sở tại thủ đô Seoul, kêu gọi chính phủ và các nhóm xã hội dân sự nâng đỡ các gia đình có người thân tự tử, để không xảy ra thêm những thảm kịch như thế nữa.
Ngọc Yến – Vatican News
Ở Hàn Quốc số người tự tử ngày càng gia tăng. Trong một cuộc phỏng vấn hôm 05/8 vừa qua của Đài Truyền hình Hoà bình Công giáo Hàn Quốc, cha Bauna nói: “Người thân của các nạn nhân tự tử và những người sống sót sau tự tử có nguy cơ tìm cách tự kết thúc đời mình cao hơn từ 6 đến 7 lần so với những người khác. Các nghiên cứu cho thấy rủi ro thường cao hơn gấp 9 lần. Vì vậy, việc chăm sóc cho những người này là rất quan trọng trong việc ngăn ngừa tự tử”.
Cha lưu ý rằng, tự tử là điều cấm kỵ trong xã hội Hàn Quốc và do đó gia đình của họ bị gạt ra ngoài lề xã hội. Nếu những người như vậy bị đẩy ra khỏi Giáo hội và xã hội, sẽ không còn nơi nào trên thế giới để họ tìm đến. Vì thế cần phải tìm cách phòng ngừa những điều như vậy xảy ra trong tương lai. Cộng đoàn Giáo hội phải làm điều này.
Giám đốc Trung tâm Phòng chống Tự tử của Giáo hội đưa ra lời kêu gọi trên theo sau một báo cáo của Bộ Y tế và Phúc lợi. Theo đó, vào năm 2020, Hàn Quốc ghi nhận có 25,7 vụ tự tử trên 100.000 công dân, tăng so với năm 2019 là 24,6 vụ.
Con số này cao nhất trong số 37 quốc gia phát triển được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) liệt kê. Con số tự tử của Hàn Quốc cao gấp đôi so với mức trung bình 11 trường hợp trên 100.000 dân trong số các quốc gia được Tổ chức liệt kê.
Chính phủ Hàn Quốc cũng đã phân tích các yếu tố đằng sau các vụ tự tử dựa trên dữ liệu từ 801 nạn nhân tự tử và gia đình của họ trong bảy năm qua: Trong số những nguyên nhân phổ biến nhất là sự tan vỡ trong các mối quan hệ gia đình, suy thoái kinh tế, mất việc, nghèo đói và sự cô lập xã hội. Khoảng 9/10 nạn nhân bị rối loạn tâm lý. Trong hơn 83% trường hợp, người thân của nạn nhân có vấn đề về tâm lý. Khoảng 6/10 người được hỏi cho biết họ sẽ chọn cái chết sau khi một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè tự tử.
Cha Bauna cho biết Giáo hội Công giáo ở Hàn Quốc không ngừng nỗ lực tìm cách hỗ trợ mục vụ cho các gia đình dễ bị tổn thương của các nạn nhân tự tử. Ví dụ, Trung tâm Phòng chống Tự tử của Giáo hội cung cấp một nơi để tự lực cánh sinh thông qua các cuộc họp mặt gia đình tang quyến, các Thánh lễ hàng tháng và các khóa tĩnh tâm. Vào tháng 6 vừa qua, Trung tâm đã phát động chiến dịch cầu nguyện và phân phát chuỗi Mân Côi như một phần trong nỗ lực giải quyết tỷ lệ trầm cảm và tự tử đang gia tăng.
Một nhóm khác có trụ sở tại nhà thờ Myeongrangchon thành lập trong năm 2012, điều hành các chương trình và hoạt động “Mạng lưới an toàn cuộc sống” nhằm truyền tải hy vọng sống bằng cách quan tâm đến cư dân và hàng xóm.