Cũng như tại Âu Châu và một số nước khác trên thế giới có tình trạng mùa đông dân số, trong Giáo Hội cũng có nhiều nước hoặc giáo phận ở trong tình trạng “sa mạc ơn gọi” tuy rằng cũng có những trường hợp ngoại lệ. Đâu là thái độ cần có trước những tình trạng sa mạc ơn gọi?
G. Trần Đức Anh O.P
Ba Lan
Giáo Hội Công Giáo tại Ba Lan vốn là nơi có nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ thuộc hàng cao nhất Âu Châu, nhưng từ mấy thập niên gần đây ơn gọi nữ tu đặc biệt giảm sút, rồi đến ơn gọi linh mục. Năm 2022 này, Giáo Hội Công Giáo tại nước này chỉ có 217 tân linh mục, tức là giảm một nửa so với con số tân linh mục cách đây 10 năm.
Con số tân linh mục tại Ba Lan liên tục giảm sút trong thập niên vừa qua. Năm 2013 có 401 linh mục mới. Năm 2016 số linh mục mới tại Ba Lan là 334 vị.
Dầu sao với con số trên đây, tình trạng ơn gọi linh mục tại Ba Lan vẫn còn khá hơn nhiều so với nhiều nước Âu Châu, nhất là tại Đức. Theo hãng tin Công Giáo Đức KNA, năm ngoái 2021 tại Đức chỉ có 21 tân linh mục. Năm 2020 trước đó có 56 linh mục mới tại nước này (Kai 2-6-2022)
Tại Mỹ
Cách đây ít lâu, Đức Cha Allen Vigneron, TGM giáo phận Detroit, Phó Chủ tịch HĐGM Mỹ, đã thông báo cho các tín hữu rằng năm nay, lần đầu tiên từ nhiều thế hệ đến nay, Tổng giáo phận này không có tân linh mục nào. Tình trạng ơn gọi linh mục tại đây thật đáng chú ý: trong 14 năm trời, chỉ có 50 tân linh mục. Đặc biệt trong vòng 10 năm gần đây, Đức TGM Vigneron chỉ truyền chức cho 42 tân linh mục và trong cùng thời gian 10 năm đó, có 125 linh mục tại giáo phận Detroit qua đời hoặc về hưu. Và Đức TGM nói thêm rằng: “Lỗi không phải tại tôi. Tình trạng này đang xảy ra ở các nơi”.
Năm nay, theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu áp dụng trong việc tông đồ (CARA) thuộc đại học Georgetown, có 417 tân linh mục ở Mỹ trong năm nay, tức là ít hơn 53 vị so với năm 2021, trong số này có 75% thuộc các giáo phận và 25% thuộc các dòng tu. Tại Tổng giáo phận New York, một trong những giáo phận lớn nhất ở Mỹ, năm nay không có tân linh mục nào.
Theo một nghiên cứu gần đây, từ năm 1970 đến 2020, số linh mục tại Mỹ giảm tới 60%.
Có nhiều giải thích được đưa ra về sự giảm sút ơn gọi như thế. Ví dụ cha Craig Giera, đặc trách mục vụ ơn gọi tại Tổng giáo phận Detroit, nói rằng: “Về mặt thống kê, tôi không biết tại sao xảy ra sự giảm sút như thế, nhưng tôi nghĩ nền văn hóa và sự tục hóa trong thế giới chúng ta đang tước đoạt mọi sự của Thiên Chúa và nay người ta không còn nghĩ đến chức linh mục nữa”.
Tại Pháp
Hồi năm ngoái, tại Pháp có 130 tân linh mục trong đó có 79 vị thuộc các giáo phận, có 5 vị xuất thân từ cộng đoàn Emmanuel theo Phong trào canh tân trong Thánh Linh. Con số linh mục xuất thân từ các cộng đoàn mới gia tăng. Ví dụ có 26 tân linh mục thuộc cộng đoàn thánh Martin, có xu hướng phần nào bảo thủ, 3 linh mục cho cộng đoàn Emmanuel và 7 vị thuộc Cộng đoàn Chemin-Neuf cũng thuộc phong trào Canh tân trong Thánh Linh. Có 12 tân linh mục thuộc các dòng tu.
Một trường hợp họa hiếm
Giữa xu hướng tiêu cực đó, cũng có những tín hiệu hy vọng như hồi cuối tuần, ngày 4 và 5 tháng 6 vừa qua (2022), tổng giáo phận Guadalajara bên Mehico đã có thêm 70 linh mục mới. ĐHY José Francisco Robles Ortega, Tổng giám mục sở tại đã chủ sự hai thánh lễ truyền chức tại đền thánh các vị Tử đạo Mehico: thứ Bảy 4/6, ngài truyền chức cho 33 tân linh mục, và hôm sau 5/6 có thêm 37 tân linh mục. Trước đó, 3/6, ĐHY đã truyền chức cho 7 phó tế mới cũng tại Đền Thánh này ở Guadalajara. Guadalajara là giáo phận lớn thứ 2 ở Mêhicô với gần 5 triệu 700 ngàn tín hữu Công Giáo (CNA 7-6-2022)
Nhìn chung tình hình chung ơn gọi không “đen tối” như ở các nước Âu Mỹ. Thống kê mới nhất được hãng tin Fides của Bộ truyền giáo phổ biến ngày 21/11 năm ngoái (2021) nhân Ngày Thế giới truyền giáo cho biết số linh mục trong Giáo Hội, tính đến ngày 31/12/2019, tăng thêm 271 vị, và tổng số linh mục trên thế giới là 414,336 vị: số linh mục giảm sút tại Âu (-2608), Mỹ (-690) và Úc châu (-69), trong khi gia tăng tại Phi châu (+1.649) và đặc biệt Á Châu tăng mạnh nhất, thêm gần 2 ngàn linh mục (+1989).
Những cố gắng chữa trị
Đứng trước tình trạng “sa mạc ơn gọi” lan rộng như thế, trong những thập niên gần đây, nhiều hội nghị quốc tế nhắm cải tiến việc mục vụ ơn gọi đã được tổ chức, nhưng dường như không có hiệu quả bao nhiêu, trước trào lưu tục hóa ngày càng lan rộng trong xã hội và nhất là những vụ xì căng đan giáo sĩ lạm dụng tính dục được thổi lên càng giáng “những ngón đòn” nặng nề cho ơn gọi linh mục và tu sĩ trong Giáo Hội.
Không thiếu các giám mục địa phương lên tiếng về vấn đề này, như Đức Cha Andrzej Czaja, giám mục giáo phận Opole bên Ba Lan. Hôm 4/6 vừa qua (2022) ngài thông báo giáo phận năm nay chỉ có thêm 8 linh mục mới và nói: “Chúng ta đang phải chịu tình trạng nghèo kinh khủng về ơn gọi linh mục và tu sĩ… Vì thế tôi không thể cung cấp linh mục cho tất cả các giáo xứ, do đó 6 giáo xứ sẽ bị gộp vào những giáo xứ khác” đồng thời tôi kêu gọi mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận góp phần cải tiến tình trạng này, chia sẻ trách nhiệm và nhất là cần gia tăng cầu nguyện cho ơn gọi.
Đức Cha Czaja nhìn nhận có một sự xa cách đối với các linh mục trong giáo xứ: “Tội lỗi chúng ta đã góp phần gây nên tình trạng đó, nhưng cũng có cách thức những hoạt động của Giáo Hội bị một số báo chí giải thích, họ chỉ nhìn thấy những điều xấu trong Giáo Hội, trong khi làm ngơ đối với những điều tốt… Người trẻ thường sống trong tình trạng lộn xộn như thế nên không dễ nghe tiếng Chúa gọi”. Theo Đức Cha, trong số những nguyên nhân gây ra khủng hoảng ơn gọi củng có cuộc khủng hoảng tâm linh của nhiều Kitô hữu, họ chiều theo tinh thần thế gian. Tinh thần này gia tăng với não trạng duy tiêu thụ và được biểu lộ qua nhiều kiểu theo đuổi những nhu cầu khác với những nhu cầu tinh thần và đời sống đã lãnh nhận khi chịu phép rửa (Kai 5/6/2022)
Lập trường của ĐTC
Đâu là lập trường của ĐTC đứng trước tình trạng ơn gọi LM và tu sĩ suy giảm như thế trong Giáo Hội, ít là tại Âu Mỹ?
Nói một cách tổng quát, trong các cuộc gặp gỡ các nữ bề dòng tu, ngài thường nhắn nhủ họ đừng quá quan tâm về các con số sa sút và tuổi đời ngày càng lên cao, nhưng hãy tín thác nơi Chúa Thánh Thần, cộng tác với Chúa để sống với tình trạng như thế.
Đặc biệt lập trường của ĐTC cũng được bày tỏ trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi lần thứ 59, cử hành hôm Chúa Nhật 8/5 vừa qua (2022) với chủ đề là “Được kêu gọi xây dựng gia đình nhân loại”, quen gọi là chủ nhật ”Chúa Chiên Lành”.
Trong sứ điệp, ĐTC trình bày ơn gọi theo nghĩa rộng của mọi tín hữu Kitô, chứ không theo nghĩa hẹp là ơn thiên triệu dành cho các linh mục và tu sĩ. Ngài nhắc đến tiến trình chuẩn bị cho Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 16 sẽ nhóm tại Roma vào tháng 10 năm tới (2023) về sự hiệp hành, “là ơn gọi cơ bản đối với Giáo Hội, và chỉ trong chân trời đó mới có thể khám phá và đề cao những ơn gọi khác nhau, những đoàn sủng và các thừa tác vụ… Tất cả mọi người đều được mời gọi chung nỗ lực trong mọi lãnh vực mục vụ và loan báo Tin Mừng… Cần tránh não trạng tách biệt linh mục và giáo dân, coi các linh mục là những người giữ vai chính còn giáo dân chỉ là những người thừa hành, và cần tiến hành sứ mạng Kitô như Dân duy nhất của Thiên Chúa, giáo dân và mục tử cùng nhau. Toàn thể Giáo Hội là một cộng đoàn loan báo Tin Mừng”.
Về những ơn gọi khác nhau, ĐTC viết: “Cuộc sống chúng ta thay đổi khi chúng ta đón nhận cái nhìn của Chúa. Tất cả trở thành một cuộc đối thoại ơn gọi giữa chúng ta với Chúa, và cả giữa chúng ta với nhau và với những người khác. Một cuộc đối thoại, nếu được sống trong chiều sâu, đều làm cho chúng ta ngày càng trở thành thực trạng của chúng ta: trong ơn gọi linh mục thánh chức, để trở thành dụng cụ ơn thánh và lòng thương xót của Chúa Kitô; trong ơn gọi đời sống thánh hiến, để trở nên lời chúc tụng Thiên Chúa và thành lời ngôn sứ về một nhân loại mới; trong ơn gọi hôn nhân để trở thành món quà cho nhau và thành những người sinh ra và giáo dục về cuộc sống. Nói chung, mỗi ơn gọi và thừa tác vụ trong Giáo Hội đều kêu gọi chúng ta hãy nhìn tha nhân và thế giới với đôi mắt của Thiên Chám để phục vụ thiện ích và phổ biến tình thương, bằng việc làm và lời nói”.