Điểm sách – Tư tưởng và thông điệp của thánh Phaolô

Điểm sách – Tư tưởng và thông điệp của thánh Phaolô



“Tư Tưởng và Thông Điệp của Phao-lô”, một tuyển tập gồm một số chủ đề trích trong các thư của ngài và những bài viết ngắn về Phao-lô, những bài ngắn có thể đọc trong khoảng 10-15 phút. Mỗi bài viết giống như một bức ảnh chụp của Phao-lô. Được chụp từ nhiều góc độ khác nhau, chúng mang đến cho độc giả ít nhiều hình ảnh rõ ràng về vị Tông đồ và thể hiện ít nhất các nét chính yếu của thông điệp của ngài.

Văn Cương, SJ – Vatican News

Tác phẩm: Tư tưởng và thông điệp của thánh Phao-lô

Tác giả: Bernardita Dianzon, FSP. 

Nguyên tác: The Glimpses of Paul and His Message 

Chuyển ngữ: Bernard Trần Nghiêm 

“Tư Tưởng và Thông Điệp của Phao-lô”, một tuyển tập gồm một số chủ đề trích trong các thư của ngài và những bài viết ngắn về Phao-lô, những bài ngắn có thể đọc trong khoảng 10-15 phút. Mỗi bài viết giống như một bức ảnh chụp của Phao-lô. Được chụp từ nhiều góc độ khác nhau, chúng mang đến cho độc giả ít nhiều hình ảnh rõ ràng về vị Tông đồ và thể hiện ít nhất các nét chính yếu của thông điệp của ngài. 

Sự ngắn gọn của các bài viết trong tập sách này không nhằm mục đích đáp ứng phong cách sống vội vàng nhưng giúp tác giả phải tổng hợp nhiều ý tưởng khác nhau lại và sử dụng những từ ngữ súc tích hơn. Ngoài ra, tác giả rất ý thức việc trình bày một quan điểm ngắn gọn theo các đề tài trong tác phẩm này và thừa nhận có nhiều tư tưởng đa dạng trong lãnh vực nghiên cứu phong phú về Phao-lô. 

Nội dung: Hiểu gì về cụm từ “Phaolô trở lại”

“Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi” (Pl 3, 8). 

Kinh nghiệm trên Con đường Đa-mát của Sao-lô thành Tác-xô được Giáo hội kính nhớ với Thánh lễ gọi là “Phao-lô Trở lại”. 

Làm sao người ta có thể coi đó là một sự “trở lại” trong khi Sao-lô không sống bất chính và không sống vô luân? Trong khi, ngài rất nhiệt thành vì đức tin và truyền thống của cha ông, và chính lòng nhiệt thành này đã khiến ngài bách hại những người theo Đức Giê-su Na-da-rét.

Theo tác giả, kinh nghiệm của ngài không thể được coi là một sự chuyển đổi từ tôn giáo này sang tôn giáo khác, vì Thiên Chúa trong Do-thái giáo mà ngài tôn thờ cũng chính là Thiên Chúa của Ki-tô hữu. Vì khó khăn trong việc giải thích kinh nghiệm trở lại của Sao-lô, nên một số nhà thần học thích xem biến cố này như là “ơn gọi và sai đi” và coi ngài là Tông đồ Dân ngoại. Dù điều này đúng, nhưng tôi nghĩ chúng ta vẫn cần phải nghiên cứu thuật ngữ “trở lại” để hiểu hàm ý sâu sắc hơn về kinh nghiệm của Phao-lô và sự tương liên của nó với chúng ta ở đây và bây giờ. 

Metanoia là thuật ngữ Hy-lạp được dịch là “sự trở lại.” Nó bao gồm hai từ: meta có nghĩa là “vượt qua bên kia”, như nó được sử dụng trong hạn từ “metaphysics” (siêu hình); từ còn lại là nous được dịch là “tâm trí.” Theo nghĩa đen, metanoia có nghĩa là “vượt qua tâm trí”, vượt qua các cấu trúc đầu óc hẹp hòi của một người bao gồm các điều kiện tiên quyết, ấn tượng xấu, thành kiến, ý kiến cố hữu và niềm tin cứng nhắc. Vượt qua tâm trí là mở lối cho một người hướng đến chiều kích Mầu nhiệm. Mầu nhiệm này vượt trên mọi qui định và phạm trù của lý trí. 

Vậy các cấu trúc đầu óc hẹp hòi, những điều kiện tiên quyết và niềm tin cứng nhắc mà ông Sao-lô thành Tác-xô phải vượt qua khi đối đầu với Chúa trên đường đến Đa-mát là gì? 

Đó chính là niềm tin tự tôn dân tộc của người Do-thái, dân mà chỉ một mình Thiên Chúa đã lập giao ước với họ, chứ không phải với tất cả các quốc gia trên thế giới. 

Đối với Phao-lô, để có thể chấp nhận rằng, Gia-vê bây giờ ban ơn cứu độ cho mọi dân tộc, không phân biệt chủng tộc, thì cần phải vượt qua ý thức hệ của mình rằng, người Do-thái vượt trên tất cả các quốc gia. Một niềm tin khác mà Phao-lô phải vượt qua là tư tưởng của ngài về Đấng Mê-si-a theo suy nghĩ của người Do-thái là hình ảnh của một nhà lãnh đạo hùng mạnh, người sẽ chiến thắng kẻ thù của Ít-ra-en và khôi phục quốc gia trở nên thịnh vượng và hạnh phúc. 

Đối với ngài, một Đấng Mê-si-a bị đóng đinh là rất vô lý và không thể tưởng tượng được. Do đó, ngài tin rằng, Đức Giê-su thành Na-da-rét là một kẻ lừa đảo, cùng với những tuyên bố sai lầm về Đấng Mê-si-a. Thị kiến trên đường Đa-mát đã đảo ngược quan niệm và kỳ vọng của Phao-lô về Đấng Mê-si-a. Ngài phải vượt qua não trạng của mình, vượt qua định kiến và ý niệm sai lầm của mình về Đức Giê-su thành Na-da-rét và chấp nhận Người là khí cụ của Thiên Chúa chân thật, không chỉ đến để cứu độ Ít-ra-en mà còn cả thế giới. 

Thêm nữa, vượt qua tâm trí mình chính là metanoia, theo nghĩa thực nhất của nó. Phao-lô nhận ra rằng, làm sao tâm trí mình đã cản trở sự tiến bộ thiêng liêng, làm sao một người có thể bám vào các khái niệm và niềm tin của mình về Thiên Chúa, về sự thánh thiện mà vẫn bị mắc kẹt lại đó, bị mắc kẹt bởi những ý tưởng quá hẹp hòi để chất chứa mầu nhiệm. Trong lĩnh vực của các mối quan hệ giữa các cá nhân, đó là sự khác biệt về tư tưởng và niềm tin, sự cứng nhắc trong ý kiến của mình và cố gắng áp đặt chúng lên người khác sẽ gây ra va chạm và căng thẳng liên quan đến nhau. Đó là lý do tại sao Phao-lô khuyến khích hoán cải trong thư gửi tín hữu Rô-ma được trình bày theo cách này: “… Hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần” (Rm 12, 2). 

Trong kinh nghiệm trên đường Đa-mát, Đức Giê-su Ki-tô đã mở ra cho Phao-lô chiều kích vượt qua. Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu của một tiến trình, tiến trình sẽ phải được thực hiện trong suốt cuộc đời của ngài, một sự thực hành miệt mài vượt qua đầu óc hẹp hòi của mình để mở ra cho chiều kích mầu nhiệm. 

Qua Phao-lô, chúng ta cũng được mời gọi hãy xem kinh nghiệm của Phao-lô như là mô mẫu cho sự hoán cải mà tất cả chúng ta đang được kêu gọi đạt tới lúc này và ngay bây giờ trong mọi tình huống cuộc sống của chính chúng ta. 

Mục lục

Tác phẩm gồm hai phần: 

Phần I: Các bài báo ngắn được gọi là: “Những Tư Tưởng Tổng Quát” gồm có: Phao-lô – cầu nối giữa hai thế giới, hiểu gì về cụm từ ‘Phao-lô trở lại, tại sao thánh giá là nơi chiến thắng, đạo đức Phao-lô, Phao-lô có thù địch với phụ nữ không,… 

Phần II: “Các Chuyên Đề” gồm có: tiếng rên riết của loài thọ tạo, Đức Ki-tô toàn thể, quan điểm cũ về Phao-lô và quan điểm mới về Phao-lô,… 

Tác phẩm “Tư tưởng và thông điệp của thánh Phao-lô” dày 242 trang trên khổ giấy 14.5 x 20.5 cm, các bài viết nghiên cứu này nhằm giúp độc giả đọc song hành cùng các thư của Phao-lô. Tác phẩm này không thay thế công việc cá nhân của từng người trong việc nghiên cứu bản văn. Tuy nhiên, tác giả hy vọng rằng tiếp xúc với Phao-lô qua tác phẩm này sẽ thôi thúc các độc giả khám phá sâu hơn để nắm bắt rõ hơn điều mà Phao-lô gọi là “Tin Mừng”, đó là sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa (Rm 1,16). 



Source link

administrator

Related Articles