Điểm sách – Diện mạo đang thay đổi

Điểm sách – Diện mạo đang thay đổi



Một số người nhìn hiện tượng toàn cầu hóa chẳng có gì khác hơn là sự dữ của thời đại này, nhưng làm thế nào mà dân của Chúa đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau lại hiệp nhất được với nhau trong khi thiên hướng tự nhiên của họ lại nghịch lại với sự hiệp nhất? Đức Giêsu Kitô đã phá hủy sự thù nghịch vốn cản ngăn sự giao hòa.

Văn Cương, SJ – Vatican News

Tác phẩm: Diện mạo đang thay đổi – của sứ vụ truyền giáo trên thế giới – liên hệ đến các vấn đề và xu hướng hiện nay

Tác giả: Michael Pocock, Gailyn Van Rheenen, Doughlas McConnell 

Nguyên tác: THE CHANGING FACE OF THE WORLD MISSION 

Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Duy Khương

Sự tương tác toàn cầu đã ngày càng mở rộng. Tính năng động đằng sau hiện tượng toàn cầu hóa, ý nghĩa của nó, ứng dụng của nó cho các sứ vụ truyền giáo cần phải được hiểu biết bởi những người đang sống cho Đức Kitô và loan báo về Ngài trong bối cảnh toàn cầu của chúng ta. Chúng ta cần nêu ra đây một số câu hỏi nghiêm túc. Toàn cầu hóa là gì? Liệu toàn cầu hóa có mới không? Liệu toàn cầu hóa có phải là vấn đề không? Liệu toàn cầu hóa có định hình nên một lối sống của riêng mình không? Thiên Chúa ở đâu trong toàn bộ tiến trình này? 

Tác phẩm Diện mạo đang thay đổi – của sứ vụ truyền giáo trên thế giới – liên hệ đến các vấn đề và xu hướng hiện nay sẽ dẫn đưa độc giả bước theo vết chân loan báo Tin Mừng của các nhà truyền giáo đang đi vào thế giới trong những bối cảnh phức tạp của xã hội, từ toàn cầu hoá, các loại hình nhân học, các biến động tôn giáo đến những đổi thay của các giai tầng kiến thức từ hiện đại tới hậu hiện đại. Người đọc sẽ được một lần quan sát các chuyển dịch địa lý của công cuộc truyền giáo, cũng như sự biểu lộ của Thần Khí trong những chuyển dịch ấy. Và nhận thức được quyền năng Chúa Thánh Thần trong các cuộc chiến thiêng liêng hướng về Sứ Vụ. 

Nội dung (Toàn cầu hoá)

Vậy, hiện tượng di dân, hay TOÀN CẦU HÓA TRONG ÁNH SÁNG CỦA THÁNH KINH VÀ THẦN HỌC có những yếu tố gì?

Những yếu tố tích cực trong Thánh Kinh liên quan đến hiện tượng Toàn Cầu Hóa 

Toàn cầu hóa có thể được nhìn nhận như một hiện tượng ứng nghiệm mệnh lệnh tạo dựng của Chúa trong St 1,26-28. Trước khi có một dân giao ước là Israel hay Nhiệm Thể Chúa Kitô, con người đã đi ra từ vùng trung tâm tạo dựng để lan tràn khắp mặt đất, hình thành nên một hình thức quản trị tốt lành trên mọi thụ tạo. Thiên Chúa có một mục đích trong hiện tượng toàn cầu hóa, và trong khi chúng ta vẫn chưa rõ về mục đích đó, Ngài không cho phép hiện tượng toàn cầu hóa này bị phá ngang. Lịch sử đã minh chứng cho các hoạt động của con người hướng đến tận cùng trái đất. 

Hoạt động và sự hiện diện của con người trên toàn thế giới không đơn thuần là sản phẩm của các thế lực thị trường. Đúng hơn, chính Thiên Chúa điều phối hiện tượng di dân toàn cầu. Sự kiện nền tảng của việc di dân, sự hiện diện của nhiều con người thuộc các nền văn hóa khác nhau đang sống bên cạnh nhau ở đó đây trên khắp thế giới, không phải là một “vấn nạn” thần học. Đây là một hiện tượng mà chúng ta được mời gọi để đón nhận và thậm chí dấn thân vào. 

Những yếu tố tiêu cực của hiện tượng Toàn Cầu Hóa xét trên phương diện Thánh Kinh 

Việc toàn cầu hóa trên toàn cầu cũng mang những dấu ấn tiêu cực do chính những con người được tạo dựng “cách đầy kinh ngạc và đáng sợ” (Tv 139,14) theo hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,26). Vì sự sa ngã, hình ảnh đó đã bị hư hoại đáng kể. Được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa – bao gồm các yếu tố trong sự khôn ngoan và sáng tạo của Thiên Chúa – con người đã tạo ra những kì công như tháp Babel. Cho dù có như thế đi nữa, những kỳ công này là những nỗ lực của các cá nhân và xã hội để khẳng định mình và để né tránh việc tuân phục và trao ban vinh dự cho Thiên Chúa, Đấng tạo nên họ. 

Sự việc tháp Babel (St 11) cho thấy rằng năng lực tài trí của con người là vô hạn. Thiên Chúa nhận ra điều này (St 11,6). Nhưng chúng ta có thể sử dụng tài khéo của chúng ta để nỗ lực đảo ngược mục đích tối hậu của Ngài. Những người ở tháp Babel là những kẻ chống lại toàn cầu hóa. Họ xây dựng một thành phố và một ngọn tháp để họ không bị phân tán (St 11,4). 

Tiềm năng xán lạn của hiện tượng toàn cầu hóa 

Một số người nhìn hiện tượng toàn cầu hóa chẳng có gì khác hơn là sự dữ của thời đại này, nhưng làm thế nào mà dân của Chúa đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau lại hiệp nhất được với nhau trong khi thiên hướng tự nhiên của họ lại nghịch lại với sự hiệp nhất? Đức Giêsu Kitô đã phá hủy sự thù nghịch vốn cản ngăn sự giao hòa. Thánh Phaolô đã giải thích rằng “Đức Kitô là sự an bình của chúng ta. Ngài là Đấng đã liên kết đôi bên thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét.” (Ep 2,14). Chìa khóa trong thế giới toàn cầu hóa để đi cùng với những con người khác biệt là chính Thần Khí của Đức Kitô, Đấng làm chứng cho công trình của Đức Kitô. 

Có ba thực thể thiêng liêng bên trong và phía sau hiện tượng toàn cầu hóa. Trước tiên là Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên chúng ta với sự đặc thù văn hóa và là Đấng chứng kiến, trông coi việc con người lan tỏa đi khắp nơi trên trái đất. Thứ hai, nhân loại này, vốn thật quí giá nhưng đã bị hư hỏng cách đầy đau đớn vì tội lỗi, được thúc đẩy không chỉ bởi Thiên Chúa nhưng còn bởi chính tội lỗi của nó cũng như bởi các hiệp hội quốc gia và cộng đồng nhân loại. Nhân loại cũng được thúc đẩy bởi một thực thể thứ ba, có tên là quyền lực Satan đang hoạt động chống lại vinh quang của Chúa và công cuộc tạo dựng của Ngài. 

Mục lục

Tập sách này gồm ba phần: bối cảnh toàn cầu mô tả những xu hướng chính yếu trên thế giới trong đó chúng ta đang thi hành sứ vụ truyền giáo; bối cảnh sứ vụ đề cập đến những xu hướng nội tại trong lòng nhiệm thể Chúa Kitô và cộng đoàn truyền giáo; bối cảnh chiến lược tập trung vào những xu hướng mang tính chiến lược hay thủ tục. Ở mỗi chương, tác giả sẽ nhận diện một xu hướng bằng cách mô tả, định lượng, hay minh họa sự tiến triển của nó. Sau đó, tác giả sẽ lượng giá xu hướng này theo tầm mức quan trọng và tác động của nó lên các sứ vụ, nói chung là cho thấy các yếu tố tiêu cực và tích cực của xu hướng đó. Tiếp theo, tác giả suy tư về xu hướng đó, xem xét nó trong ánh sáng của Thánh Kinh và thần học liên quan, thường xuyên cho thấy cách thức các học giả khác nhận định về xu hướng này. Cuối cùng, chính tác giả can dự vào xu hướng này, nhận định về tính khả thi, những mô hình phát sinh và những cách làm tốt nhất. 

Tác phẩm “Diện mạo đang thay đổi” dày 631 trang trên khổ giấy 15 x 23 cm, qua tác phẩm, quí độc giả chắc chắn sẽ thấy mình là người trong cuộc, có một chỗ nhất định trong Sứ Vụ. Bởi vì trong “chiến lược ” loan báo Tin Mừng hôm nay, Hội Thánh đang nỗ lực gầy dựng các mạng lưới cộng tác tinh thần cũng như vật chất, thiết lập các hiệp hội, kêu gọi vượt lên trên các “lối sống ảo”, để luôn phải thích nghi lối sống của Tin Mừng mọi nơi mọi thời mọi hoàn cảnh, như lời Thánh Phaolo “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20) vì chính “Chúa Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi” đang Hiệp Hành cùng Hội Thánh. 

Xin lưu ý, Diện Mạo Đang Thay Đổi Của Sứ Vụ Truyền Giáo Trên Thế Giới được dành cho các sinh viên đại học và cao học vốn đang chuẩn bị để theo đuổi một công việc trong lãnh vực hội nhập văn hóa hay dành cho những người giáo dân và các nhà lãnh đạo trong Giáo hội muốn hiểu biết về thế giới đang thay đổi vốn đang định hình nên bối cảnh mà trong đó các sứ vụ truyền giáo được tiến hành. Các nhà thừa sai được chỉ định làm việc tại quê nhà sẽ nhận ra tập sách này rất hữu ích để giúp họ hiểu biết về những tiến triển bên ngoài những cánh đồng hoạt động cụ thể của họ.



Source link

administrator

Related Articles