Nữ tu Klára Malinaková, khi suy tư về tiến trình thượng hội đồng ở Cộng hòa Séc, đã nói: “Chúng tôi được kêu gọi để có một phản ứng sâu sắc hơn, một ‘bước vượt qua’ từ sự quy kỷ của cái Tôi đến một giáo hội CHÚNG TA.”
Klára Malinaková
Về chiều kích tôn giáo, Cộng hòa Séc ở trong một tình huống khá đặc biệt. 3/4 dân số tuyên bố rằng họ không thuộc bất kỳ tín ngưỡng tôn giáo nào, và chỉ 5% trong số hơn 11 triệu dân thường xuyên tham gia vào nghi lễ tôn giáo của một tôn giáo nào đó. Trong bối cảnh như vậy, việc đáp lại lời mời tham gia Thượng Hội đồng về tính hiệp hành trong Giáo hội Công giáo đã có những bất ngờ khó lường.
Bất chấp sự hoài nghi ban đầu của một bộ phận tín hữu, và cũng của không ít linh mục, cuộc hành trình này có sự tham gia của 2.312 nhóm hiệp hành! Qua họ, Dân Chúa học cách làm việc cùng nhau theo phong cách hiệp hành, để lắng nghe và phân định đường hướng mà Thần Khí của Thiên Chúa hướng dẫn chúng tôi.
Các chủ đề được thảo luận trong các nhóm hiệp hành không phải lúc nào cũng nằm trong số những chủ đề đơn giản nhất, và điều này mang lại cho chúng ta nhiều hy vọng về hành trình vẫn đang được tiếp tục. Nhiều người tham dự nói rằng, đối với họ, kết quả cuối cùng của Thượng hội đồng sẽ không quá cần thiết khi so sánh với tính mới mẻ của phương pháp thực hiện đã được bắt đầu ở cấp cơ sở. Trong tất cả các nhóm nhỏ này, trong các giáo xứ và trong các cộng đoàn, ngày nay tất cả đều cảm thấy mình hiện diện nhiều hơn và trên hết là ý thức hơn về trách nhiệm của chính họ trong đời sống Giáo hội.
Giáo phận Brno, nơi có 557 nhóm hiệp hành, là giáo phận lớn thứ hai trong cả nước. Kết quả thu được của các nhóm này được phân tích theo nội dung của các văn bản đã được phê duyệt và cả theo các báo cáo thống kê được đệ trình. Nhìn vào các văn bản cũng bắt đầu được gửi đến từ các giáo phận khác, chúng tôi nghĩ rằng nhiều hiểu biết và đề xuất được đưa ra ở Brno có thể giúp dễ dàng có cái nhìn khái quát cho toàn bộ các giáo phận của đất nước.
Điểm đầu tiên và quan trọng là nhiều cộng đoàn phàn nàn về giả định cho rằng phong cách hiệp hành dưới mức trung bình hoặc không đáp ứng sự kỳ vọng của dân Chúa. Không ít cộng đoàn đã bày tỏ nhận thức về sự thiếu minh bạch và cởi mở với thế giới, với mong muốn Giáo hội trở nên dễ hiểu hơn, nhân bản hơn, có khả năng chấp nhận những gợi ý từ cơ sở hơn, và trên hết là chú ý hơn đến những nhu cầu thực tế của thế giới.
Khoảng một phần ba số người tham gia trong các nhóm muốn nhấn mạnh cần có sự giao tiếp tốt hơn giữa các linh mục và giáo dân. Họ giải thích rằng điều họ mong đợi ở các linh mục không phải là sự uyên bác về thần học mà là sự gần gũi và cởi mở hiệu quả, thái độ lắng nghe mạnh mẽ hơn và khả năng luôn làm việc cùng nhau. Mong muốn nhận được sự tin tưởng, được tham gia vào các quá trình ra quyết định, và thấy những đặc sủng cụ thể của một người được đánh giá cao, cũng được nhận thấy rõ. Đáng chú ý là nhận xét rằng nơi các nhóm có các linh mục hiện diện, các chủ đề liên quan nhiều hơn đến các vấn đề trao truyền Đức Tin ngày nay, trong khi các nhóm mà họ không tham gia trực tiếp thì cởi mở hơn trong việc thảo luận về các vấn đề cải cách Giáo hội, về luật độc thân của các linh mục, về việc phong chức cho phụ nữ. Điều thú vị là các nhóm đã trải qua một tiến trình hiệp hành dễ dàng nhận ra sự hiện diện của một quy trình tương tự ở cấp giáo phận hơn (lên đến 10 lần mức trung bình), và cũng (lên đến 4 lần mức trung bình) ở cấp độ Giáo hội hoàn vũ.
Các số liệu thống kê xác nhận lời khẳng định đáng khích lệ rằng những người tham gia thường nói rằng “Giáo xứ của chúng ta sẽ như thế nào thì toàn thể Giáo hội hoàn vũ cũng sẽ như vậy”. Tuy nhiên, các vấn đề về mối quan hệ trong Giáo hội và sự hiệp thông đã vượt xa vấn đề về mối quan hệ giữa linh mục và giáo dân. Trên thực tế, khoảng 40% người tham gia muốn nêu bật tầm quan trọng của các mối quan hệ đích thực của tình anh em / chị em, sự tôn trọng, lòng khoan dung và sự quan tâm lẫn nhau trong cộng đồng của họ. Nhiều người nhắc lại nhu cầu về một Giáo hội biết cách ngày càng chào đón những người bị gạt ra bên lề xã hội, và chia sẻ mối quan tâm mạnh mẽ về nguy cơ một Giáo hội tự quy chiếu, sống trong một mái vòm bằng kính mà không có đủ sự tiếp xúc với thế giới xung quanh.
Mối quan tâm này được nhận thấy là phổ biến và nổi bật nhất trong bất kỳ loại nhóm nào, bất kể quy mô, độ tuổi, giới tính hay các đặc điểm khác của nhóm. Có lẽ mức độ phổ biến của mối quan tâm này là do chính đề xuất ban đầu của Thượng Hội đồng đưa ra, nhưng chắc chắn nó đã có điểm chung nhạy cảm giữa tất cả những người tham gia. Có thể sự nhạy cảm đối với vấn đề này cũng được tạo ra bởi một vấn đề rộng lớn hơn, bên ngoài Giáo hội, điển hình của thời đại chúng ta, mà một số học giả đã gọi là “thế kỷ của sự cô độc”. Các quốc gia Đông Âu, bao gồm cả Cộng hòa Séc, là một trong những quốc gia có mức độ cô đơn hiện sinh cao nhất. Mặt khác, có một xu hướng ảnh hưởng đến toàn thế giới: nghiên cứu chỉ ra rằng cảm giác cô đơn trong cuộc sống không chỉ ảnh hưởng đến những người sống bên lề xã hội, mà còn ảnh hưởng đến những người năng động và làm việc hiệu quả.
Có thể nào ‘cơn dịch’ của sự cô đơn hiện sinh này là một trong những dấu hiệu của thời đại mà chúng ta phải có thể nhìn thấy và lắng nghe? Nhiều tổ chức thế tục và thể chế ở các quốc gia khác nhau, ngoài Giáo hội Công giáo, cũng đang thực hiện các bước quan trọng theo hướng này để giải quyết vấn đề. Khác hơn họ, chúng ta còn được kêu gọi để có một phản ứng sâu sắc hơn, một “bước vượt qua” từ sự quy kỷ của cái Tôi đến một giáo hội CHÚNG TA, như Ủy ban Thần học Quốc tế cũng gợi ý trong tài liệu về Tính hiệp hành trong đời sống và sứ vụ của Giáo hội.
Lời kêu gọi này kêu gọi Giáo hội CHÚNG TA cũng đặt trên ước muốn thiêng liêng của hơn một phần tư số người tham gia một phong cách cầu nguyện ngày càng có tính cộng đồng, một Thánh lễ được cử hành bởi một cộng đồng Kitô hữu thật sự, để có một đời sống thiêng liêng sâu sắc hơn. Đó không phải là vấn đề về nhu cầu đơn thuần của con người, mà là mong muốn có một đời sống thiêng liêng gần gũi sâu xa hơn với Thiên Chúa, Đấng đã tạo nên chúng ta những hữu thể tương quan, nghĩa là các cộng đồng, và theo hình ảnh của Ba Ngôi của Người. Ước muốn thực sự được cảm nghiệm sự hiệp thông với Thiên Chúa không phải qua cái tôi tự cao tự đại của mình, nhưng giống như Thiên Chúa Ba Ngôi, trong mầu nhiệm về sự viên mãn của CHÚNG TA. Và đây có lẽ là câu trả lời xác thực nhất cho bi kịch của sự cô đơn hiện sinh.