Cộng đoàn Công giáo tại lãnh thổ người Inuit, Canada

Cộng đoàn Công giáo tại lãnh thổ người Inuit, Canada



Cuộc viếng thăm vừa qua của Đức Thánh Cha tại Canada, như một cuộc hành hương thống hối, góp phần chữa lành và hòa giải giữa Giáo Hội Công Giáo và các thổ dân tại Canada, nhưng cũng cho thấy một nét đặc sắc của cộng đoàn Công Giáo bé nhỏ nơi lãnh thổ của các thổ dân Inuit ở miền cực đông bắc nước này.

Giuse Trần Đức Anh, O.P

 Chiều ngày 29-7-2022, ngày cuối cùng trong chuyến tông du 6 ngày tại Canada, Đức Thánh Cha đã bay đến thị trấn Iqaluit, nơi chỉ có hơn 7.500 dân cư, nhưng là thủ phủ của một miền đất mênh mông, hơn 2 triệu cây số vuông; đó là Nunavut, trong tiếng Inuit có nghĩa là “Đất của chúng ta”. Nơi này chỉ có 40 ngàn dân, tức là một nửa tổng số người Inuit ở Canada, có nhiệt độ trung bình trong những tháng mùa đông là âm 25 độ C và có thể xuống tới âm 40 độ. Iqaluit là nơi có trụ sở của chính quyền địa phương, với nghị viện và thủ tướng.

 Đến nơi vào lúc gần 4 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã được Đức Cha Anthony Wielslaw Krótki, Giám Mục giáo phận Churchill-Hudson Bay sở tại, cùng với 5 vị lãnh đạo trong chính quyền địa phương đón tiếp tại sân bay.

 Linh mục thừa sai Krótki

 Đức Cha Krótki là người gốc Ba Lan, thuộc dòng thừa sai Hiến Sinh Đức Mẹ Vô nhiễm (OMI). Ngài sinh tại Katowice, quê hương của thánh Gioan Phaolô II, vào năm 1964.

 Năm 1993, tức là 3 năm sau khi thụ phong Linh Mục, cha Krótki được bề trên gửi sang truyền giáo ở vùng băng giá của Canada. Ban đầu cha thực tập ở Igloolik, học thổ ngữ và sống cạnh một tu sĩ cùng dòng là cha Joseph Meeus. Sau đó cha chuyển tới Gjoa Haven để hoạt động. Nơi này cách thành phố Winnipeg của Canada khoảng 2 ngàn cây số về hướng bắc, và tọa lạc trên đảo King William. Nhưng chỉ mùa hè người ta mới thấy đây là hòn đảo, vì trong những tháng dài mùa đông, nước đóng thành băng và nối liền đảo này với đất liền. Trong vùng của Cha Krotki còn có 2 cứ điểm truyền giáo khác; đó là Spence Bay, cách đó 150 cây số về hướng đông bắc, và Pelly Bay, cách 250 cây số về hướng đông. Cha Krotki kể lại: “Mỗi năm, một hoặc hai lần, tôi về Repulse Bay để gặp người tu sĩ cùng dòng ở gần nhất, đó là cha Louis Fournier, 75 tuổi. Tôi phải đi mất 2 hoặc 3 ngày bằng xe môtô trượt tuyết, để vượt qua quãng đường dài 700 cây số”.

 Để chuẩn bị cho việc đi truyền giáo ở vùng băng giá Canada, Cha Krótki đã đọc rất nhiều sách vở, nhưng, trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 1998, cha nói: “Bây giờ tôi có thể nói rằng những điều tôi tưởng nghĩ trước đây chỉ tương ứng cùng lắm là 40% với thực tế tại vùng này. Hồi đó tôi không hề nghĩ rằng điều kiện sống tại đây lại cam go như vậy, và tiếng Inuit lại phức tạp như thế. Tôi nghĩ rằng mình sẽ làm quen mau lẹ với tâm thức của dân Inuit mà tôi có dịp tiếp xúc. Nhưng nay, sau 4 năm, tôi chưa thể nói là mình biết rõ dân Inuit. Điều chắc chắn là bây giờ tôi yêu mến họ hơn nhiều so với lúc đầu”.

 Dân Inuit cởi mở đối với người lạ khi thấy những người này không phải là du khách hoặc các nhà nghiên cứu. Khi thấy ai muốn chia sẻ cuộc sống thực sự với họ, thì họ dần dần cởi mở hơn.

 Cha Krótki học tiếng Inuit với một thừa sai cao niên và tìm hiểu dần dần về tâm thức của người dân. Vị linh mục cao niên cảnh giác rằng: “Để học biết ngôn ngữ và phong tục của người Inuit, em đừng ngại ngùng đến sống giữa họ”. Cha kể: “Thế là tôi mạnh bạo và sống suốt hai tháng rưỡi với một nhóm người Inuit săn hải cẩu. Chúng tôi ở chung một lều, tôi cũng dậy sớm như họ, ăn uống với họ. Đó không phải là chuyện dễ dàng. Những tuần đầu tiên tôi chịu đói dài dài. Họ không ăn bánh nhưng chỉ ăn sống thịt hải cẩu, điều này làm cho tôi phải chịu đựng nhiều lắm. Khi không phải đi đường, thì tôi có thể nấu nướng cái gì đó để ăn. Về đồ uống thì chúng tôi dùng nước trà. Chúa Nhật và một ngày trong tuần, tôi cử hành Thánh lễ cho họ”.

 Bình thường Cha Krótki dùng tiếng Inuit và chỉ nói tiếng Anh khi cần. Ban đêm ở vùng bắc cực nhiệt độ xuống tới 40 hoặc 50 độ âm, và nếu có gió thì càng lạnh hơn nữa.

 Kitô giáo được truyền tới cho người dân Inuit vào khoảng năm 1948. Thật khó xác định đức tin ăn rễ sâu như thế nào nơi người dân Inuit. Nhưng có nhiều người sống đức tin nhiệt thành, và thông truyền cho người khác, nhất là các giáo lý viên. Dầu vậy vẫn còn nhiều dấu hiệu mê tín và vẫn còn nhiều thiếu sót về giới răn thương yêu.

 Cha Krótki không những chỉ cảm thấy được dân chúng Inuit chấp nhận như một linh mục, nhưng họ còn tỏ ra biết ơn vì cha đã đến sống giữa họ, chia sẻ cuộc sống với họ giữa vùng băng giá mênh mông đó. Đức Cha Reynald Rouleau, OMI, làm Giám Mục giáo phận Churchill-Hudson Bay, kể lại rằng: “Hôm qua, tôi mới trở về nhà sau khi đi từ đầu này tới đầu kia giáo phận của tôi. Đây là cuộc hành trình dài nhất từ trước đến nay; tôi đi một lèo với 24 cuộc đáp máy bay, vượt qua 27 ngàn cây số vuông trong vòng 28 ngày, với 60 giờ trên máy bay, không kể bao nhiêu giờ chờ đợi tại các phi trường”.

 Làm giám mục

 Hồi tháng 2 năm 2013, Cha Anthony Wieslaw Krótki được Tòa Thánh bổ nhiệm kế vị Đức Cha Rouleau làm Giám Mục giáo phận Churchill-Hudson Bay. Giáo phận này, theo những con số mới nhất, có diện tích rộng gấp 7 lần nước Việt Nam, với 2 triệu 300 ngàn cây số vuông, nhưng chỉ có khoảng 11.200 tín hữu Công Giáo trên tổng số 40 ngàn dân, đa số theo Anh giáo. Giáo phận có 19 giáo xứ, 8 nhà thờ, và 3 Linh Mục giáo phận và 6 Linh Mục dòng, 7 tu huynh, 2 nữ tu, 53 trường học, 1 cơ sở từ thiện. Năm ngoái có 195 người được rửa tội. Để đi từ giáo xứ này đến giáo xứ khác, phải dùng máy bay.

 Phỏng vấn Đức Cha Krótki

 Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, truyền đi hôm 27-7-2022, Đức Cha Krótki cho biết giáo xứ Công Giáo Đức Mẹ Lên Trời ở Iqaluit – do cha Daniel Perrault làm cha sở, là một giáo xứ sinh động, các tín hữu là dân tứ chiếng, trong đó chỉ có 1 số nhỏ là người Inuit bản xứ, số người còn lại đến từ Phi châu, Nam Mỹ, Á châu hoặc những nơi xa xăm khác. Thánh lễ Chúa Nhật thường có khoảng 100 người tham dự.

 Đức Cha nói: “Một số giáo xứ của chúng tôi do các giáo dân người Inuit phụ trách. Giáo phận chúng tôi là một trong số các giáo phận đầu tiên huấn luyện thủ lãnh giáo dân đảm nhận trách vụ này từ năm 1968. Một thách đố ngày nay là làm sao thu hút thế hệ giáo dân lãnh đạo kế tiếp. Họ thường bị sốc về văn hóa cùng với lối sống không luôn luôn hoàn hảo. Giáo phận chúng tôi hãnh diện vì truyền thống có những người nam nữ dấn thân mang Tin Mừng cho người Inuit, phần lớn là các tu sĩ thuộc dòng OMI và các nữ tu áo xám (Grey Nuns) ở Montréal.”

 “Giáo phận chúng tôi có bộ sưu tập lớn nhất các tài liệu về Kinh Thánh và phụng vụ trong một ngôn ngữ thổ dân tại Canada, với điểm nhấn đặc biệt trong những năm gần đầy về việc phát triển các tài liệu giúp các thủ lãnh giáo dân. Người Inuit vẫn luôn tìm cách hội nhập Tin Mừng vào văn hóa của họ. Họ hướng dẫn các thừa sai viếng thăm các vùng “tiền tuyến”, dạy các thừa sai ngôn ngữ, và chỉ cách săn các động vật ở biển cũng như đất liền. Trong một số vùng, chính họ là những người đưa sứ điệp của Kitô giáo đến những khu vực khác. Iqaluit là cộng đồng duy nhất có số người dân tương đối đông đảo không phải là người Inuit. Có nhiều công việc chuyên môn do những người từ ngoài đến đảm trách. Chính phủ và các tổ chức Inuit dành tỷ lệ cao cho người bản xứ Inuit, nhưng mức độ này chỉ dừng lại ở 50%. Cho đến khi nào người Inuit chưa có trình độ giáo dục cao hơn, thì nhiều nghề chuyên môn sẽ vẫn không do người địa phương đảm trách, và tình trạng này cũng tạo nên căng thẳng, vì những nhóm từ ngoài lãnh thổ của Inuit cũng có thể kiếm được nhà ở hiếm hoi tại đây.”

 Trong cuộc phỏng vấn, Đức Cha Krótki cũng hy vọng Đức Thánh Cha không những chỉ mang lại sự chữa lành cho những người bị thương tổn vì hậu quả của các trường nội trú thổ dân, nhưng còn giúp mọi người tại địa phương, còn nhắc nhở mọi người về tình nhân loại chung và ước muốn sống chung với nhau như những người con của Thiên Chúa.



Source link

administrator

Related Articles