Đại hội lần thứ 11 của Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô tiến hành từ ngày 31-8 đến 8-9-2022 tại thành phố Karlsruhe nam Đức, đã kết thúc tốt đẹp với nhiều thành quả âm thầm. Nhưng dư luận báo chí đặc biệt chú ý đến những lập trường khác biệt của nhiều đại biểu về chiến tranh tại Ucraina.
Giuse Trần Đức Anh O.P.
Đại Hội có chủ đề là: “Tình yêu Chúa Kitô chuyển động, hòa giải và hiệp nhất thế giới”. Tham dự đại hội có 800 đại biểu đến từ hơn 120 quốc gia. Họ thuộc 352 Giáo Hội Kitô thành viên của Hội đồng, gồm Chính Thống, Tin Lành, Anh giáo và nhiều Giáo Hội Kitô khác không Công Giáo, với hơn 500 triệu tín hữu Kitô trên thế giới. Ngoài ra có các chuyên gia và khách mời, tổng cộng là 4 ngàn người.
Tuy không phải là thành viên, Giáo Hội Công Giáo đã cử một Phái đoàn chính thức gồm 22 người, do Đức Hồng Y Kurt Koch, Bộ trưởng Bộ hiệp nhất các tín hữu Kitô, làm trưởng đoàn đến tham dự Đại hội. Ngoài ra cũng có 160 tín hữu Công Giáo tham dự, và họ thuộc vào nhóm đông nhất, trong đó có các đại diện của các cộng đoàn và Phongtrào Công Giáo dấn thân đại kết như “Phong trào Focolare”, Tổ Ấm, và “Chemin Neuf”, Con đường mới, theo khuynh hướng của Phong trào Canh tân trong Thánh Linh.
Đời sống tâm linh
Khía cạnh tâm linh trong đại hội được đề cao và được coi là trọng tâm của Đại hội đại kết này, nhưng vì lý do dễ hiểu, ít được giới truyền thông nói tới, bởi lẽ không có tính chất thời sự. Mỗi sáng các tham dự viên bắt đầu bằng buổi cầu nguyện liên hệ phái, với các bài thánh ca, bài đọc Kinh Thánh, kinh nguyện, và một suy tư về đề tài chính trong ngày họp và sứ điệp Kinh Thánh chính yếu được chọn cho ngày hôm đó.
Trong ngày, cũng có những nhóm học hỏi Kinh Thánh trong đó các đại biểu được dịp đào sâu văn bản Kinh Thánh được chọn cho mỗi ngày.
Các đề tài thời sự được bàn đến trong các phiên khoáng đại được dư luận chú ý nhiều nhất cũng vì ảnh hưởng của chiến tranh tại Ucraina, xung đột từ lâu giữa Israel và Palestine, nền hòa bình thế giới bị đe dọa, vấn đề bảo vệ môi trường, nạn buôn bán võ khí, ảnh hưởng tai hại của những “tin giả”, hoặc vu khống lan tràn trên các mạng xã hội, v.v.
Các vấn đề thời sự
Ngay trong ngày đầu tiên, người ta đã thấy sự đụng độ này liên hệ tới chiến tranh Ucraina: Phái đoàn Chính Thống Nga tại Đại hội mạnh mẽ phản đối những lời phê bình nghiêm khắc của Tổng thống Đức đối với Giáo Hội này và gọi những lời cáo buộc này là “vô căn cứ” và “tạo áp lực một cách trá hình”.
Trong diễn văn hôm 31-8, tại buổi khai mạc Đại hội, Tổng thống Frank-Walter Steinmer, một tín hữu Tin Lành Đức, lên án sự việc Đức Thượng Phụ Kirill của Chính Thống Nga đã biện minh cho chiến tranh của Nga chống Ucraina. Ông nói: “Giới lãnh đạo Giáo Hội Chính Thống Nga đã lèo lái các tín hữu và toàn thể Giáo Hội thuộc quyền đi vào một con đường sai lầm chống tôn giáo và phạm thượng… Giới lãnh đạo Giáo Hội này đã tham dự vào những tội ác chiến tranh chống lại Ucraina”.
Phản ứng của Phái đoàn Chính Thống Nga
Phản ứng về những lời này, trong tuyên bố trên mạng của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mascơva, trưởng phái đoàn của Chính Thống Nga tham dự đại hội là Đức Tổng giám mục Antony, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ Tòa Thượng Phụ Chính Thống ở Mascơva, nói rằng “Tổng thống Đức đã đưa ra những lời cáo buộc vô căn cứ, và hoàn toàn cố tình làm ngơ không biết đến những cố gắng nhân đạo của tòa Thượng Phụ Chính Thống Mascơva trong cuộc xung đột với Ucraina… Những lời của ông Steinmeier là một “sự trá hình tạo áp lực của một quan chức cấp cao của chính quyền trên một tổ chức kỳ cựu nhất giữa các Giáo Hội Kitô, xen mình vào việc nội bộ của Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô và là một toan tính nghi ngờ về đặc tính trung lập về chính trị nhắm xây dựng hòa bình của Hội đồng đại kết”.
Bảo vệ môi trường
Tuy nhiên, trong ngày thứ hai của Đại hội, hôm 1-9, bầu không khí thay đổi, và các Giáo Hội cử hành “Ngày của Công trình tạo dựng”. Đức Thượng Phụ danh dự chung của Chính Thống giáo, Đức Bartolomaios ở Istanbul, đã gửi một sứ điệp video đến các phái đoàn tham dự đại hội trong đó ngài nhắc nhở rằng sự thay đổi khí hậu là một đe dọa lớn nhất mà trái đất phải đương đầu. “Sự gia tăng nhiệt độ trái đất, bị nhiều người làm ngơ không biết tới, sẽ làm cho số người chết vượt quá con số người chết vì các bệnh truyền nhiễm, nếu sự thay đổi nhiệt độ này không được hạ xuống”.
Dự thảo về Chiến tranh Ucraina
Vấn đề chiến tranh Ucraina tái xuất hiện vào ngày 6-9 khi Đại hội thảo luận về dự thảo nghị quyết liên quan đến chiến tranh tại Ucraina và lần đầu tiên Phái đoàn của Giáo Hội Chính Thống Nga lên tiếng.
Một đại diện của phái đoàn này, Filaret Bulekow, cộng sự viên của Hội đồng ngoại vụ tòa Thượng Phụ Chính Thống ở Mascơva, nhận định rằng dự thảo về chiến tranh Ucraina tuy khá hơn, nhưng đó cũng là một ví dụ về chiến tranh thông tin, tuyên truyền của tây phương. Các Giáo Hội thành viên của Hội đồng đại kết cố tình không hiểu đích thực điều gì là nguyên nhân thực sự gây ra chiến tranh Ucraina.
Filaret Bulekow tái mạnh mẽ phê bình Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, trong diễn văn khai mạc đại hội hôm 31-8 đã nói một chiều và im lặng về trách nhiệm chính trị của Đức đối với tình trạng tại Ucraina. Phái đoàn Chính Thống Nga cũng trách cứ các Giáo Hội nhóm tại Karlsruhe không tích cực hoạt động cho hòa bình: “Họ im lặng nhìn tình hình chính trị tại quê hương của họ và chỉ nói về chiến thắng quân sự”.
Trong khi đó, các đại diện của Chính Thống Ucraina kêu gọi các đại biểu Chính Thống Nga hãy chống lại chiến tranh. Roman Sigov, đại diện Giáo Hội Chính Thống Ucraina tự trị nói rằng nỗi đau khổ của nhân dân Ucraina thật là khôn tả. Thật là điều không thể chấp nhận được nếu Hội đồng đại kết không biết sự thật và không lên án những kẻ gây ra chiến tranh tại quê hương Ucraina. Oleksandra Kovalensko thành viên cùng phái đoàn nói rằng Đại hội của Hội đồng đại kết phải yêu cầu phái đoàn Chính Thống Nga lên án chiến tranh.
Tuy Phái đoàn Chính Thống Nga yêu cầu thay đổi một số từ trong dự thảo nghị quyết nhưng trong cuộc bỏ phiếu chung kết, Nghị quyết này vẫn được đa số các đại biểu thông qua, trong đó có sự lên án chiến tranh do Nga gây ra và đang tiếp tục tại Ucraina, đồng thời tố giác những đau khổ và chết chóc do trận chiến này gây ra cho các thường dân.
Trong cuộc bỏ phiếu ngày 8-9, Nghị quyết về chiến tranh Ucraina đã được thông qua, bất chấp sự phản đối của Phái đoàn Chính Thống Mascơva.
Nghị quyết về tình hình Trung Đông
Chiều ngày 6-9, Đại hội đã thảo luận về một Nghị quyết liên quan đến Israel Palestine. Đối tượng được bàn thảo là một văn bản nghiêm khắc phê bình Israel vi phạm nhân quyền và áp bức người Palestine, thêm vào đó nhiều nhóm bênh vực nhân quyền tố cáo Israel thi hành chính sách Apartheid, Phân biệt chủng tộc. Đồng thời cũng lên án những hành vi bạo lực từ phía Palestine và nhấn mạnh rằng không ai muốn phủ nhận các quyền cơ bản của Israel.
Tuy nhiên, trong một bài phát biểu, nữ Giám mục Tin Lành Đức Petra Bosse-Huber, nói rằng phái đoàn Đức không bao giờ cho rằng Israel là một nước Phân biệt chủng tộc (Apartheid). Các tín hữu Kitô tại Đức mạnh mẽ liên đới với người Israel cũng như Palestine. Tuy nhiên các phái đoàn khác khẳng định rằng nghị quyết của Đại hội không có tính chất bài Do Thái, nhưng chỉ nêu rõ và phê bình những gì là bất công. Thông qua nghị quyết là một vấn đề công bằng.
Nghị quyết được Đại hội thông qua sau đó mạnh mẽ phê bình Israel vì những vụ vi phạm nhân quyền và những vụ trục xuất người Palestine, nhưng nhìn nhận quyền hiện hữu của Israel. Nghị quyết nhìn nhận rằng Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô bị chia rẽ vì lời tố giác Israel thi hành chính sách Phân biệt chủng tộc, Apartheid, đối với người Palestine.
Một số nghị quyết khác chống sự thay đổi khí hậu, nạn chạy đua võ trang, bán và cung cấp võ khí, nghị quyết chống nạn áp bức các thổ dân bản xứ, nạn kỳ thị chủng tộc.
Điều hành Hội đồng đại kết
Ngoài các phiên khoáng đại về những vấn đề thời sự như vừa nói, tại Đại hội cũng có những phiên nhóm các đại biểu về vấn đề điều hành Hội đồng. Các đại biểu đã bầu 150 thành viên Ủy ban Trung Ương Hội đồng Đại kết, trong đó 48% là phụ nữ, 52% là nam giới, 80% là các mục sư hoặc giáo sĩ, 20% là giáo dân, 8% là người bản địa, 4% là người khuyết tật và 12% là người trẻ. Ban chấp hành mới của Hội đồng gồm 25 thành viên, với vị chủ tịch là Đức giám mục Heinrich Bedford-Strohm, thuộc Giáo Hội Tin Lành Đức.
Các đại biểu đã quyết định Đại hội lần thứ 12 sẽ tiến hành trong vòng 8 năm nữa, tức là vào năm 2030.