Trong cuộc tiếp kiến các tham dự viên tổng tu nghị Hội Thừa sai Phi châu vào trưa ngày 13/6/2022, Đức Thánh Cha mời gọi họ trở nên chứng tá ngôn sứ qua đời sống cầu nguyện và tình huynh đệ mà họ thể hiện giữa những bối cảnh nghèo khổ, bất an và bấp bênh của những nơi họ đến loan báo Tin Mừng.
Hồng Thủy – Vatican News
Hội Thừa sai Phi châu, thường được gọi là các cha Trắng, được Đức Hồng y Charles-Martial Allemand-Lavigerie, Tổng giám mục của Algiers, thành lập năm 1868, tập trung vào việc loan báo Tin Mừng và giáo dục, chủ yếu ở châu Phi. Hiện dòng có gần 1500 thành viên đến từ 36 quốc gia và đang hoạt động tại hơn 40 quốc gia.
Ngỏ lời với các nhà truyền giáo châu Phi, trước hết Đức Thánh Cha lập lại sự tiếc nuối vì phải hoãn chuyến viếng thăm Congo và Nam Sudan. Ngài nói rằng ở tuổi ngài thì không dễ để đi truyền giáo, “nhưng lời cầu nguyện và tấm gương của anh em đã mang lại cho tôi sự can đảm và tôi tin tưởng có thể thăm viếng những dân tộc mà tôi yêu quý này.”
Lòng biết ơn và niềm hy vọng
Tiếp đến Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến hai yếu tố được suy tư trong những ngày tổng hội, đó là “với lòng biết ơn” và “với niềm hy vọng”. Ngài nói rằng “Ai không biết tạ ơn Chúa về những món quà mà Người đã trao tặng dọc trên hành trình – dù mệt mỏi và có lúc đau đớn – thì họ sẽ không có một tâm hồn hy vọng, mở lòng đón nhận những điều bất ngờ của Chúa và tin tưởng vào sự quan phòng của Người.” Một cộng đoàn biết ơn Chúa và anh em, và giúp nhau hy vọng vào Chúa Phục Sinh là một cộng đoàn thu hút và nâng đỡ những ai được kêu gọi. Vì vậy, ngài khuyến khích họ hãy tiếp tục sống lòng biết ơn và hy vọng.
Tông đồ là chứng nhân
Đề cập đến chủ đề của tổng tu nghị lần này của các Thừa sai Phi châu: “sứ vụ như chứng tá ngôn sứ”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng dù thế giới, và cả châu Phi, thay đổi, nhưng đặc sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho Đấng Sáng lập của họ không thay đổi. Đức Thánh Cha giải thích: “Tông đồ của Chúa Giêsu không phải là người chiêu dụ tín đồ, hay nhà quản lý, hay giảng viên uyên bác, hay ‘phù thuỷ’ công nghệ, nhưng là một nhân chứng.”
Cầu nguyện và tình huynh đệ
Đức Thánh Cha giải thích tiếp rằng chứng tá bao gồm trong hai điều cốt yếu là cầu nguyện và tình huynh đệ và đưa ra gương mẫu của thánh Charles de Foucauld, người “bắt đầu từ kinh nghiệm mãnh liệt của mình về Chúa, đã thực hiện một cuộc hành trình biến đổi đến mức cảm thấy mình là anh em của tất cả mọi người.”
Cộng đoàn ngôn sứ
Và chứng tá ngôn sứ, theo Đức Thánh Cha, có tính cộng đoàn, khi cộng đoàn gồm những người thuộc các sắc tộc và văn hoá khác nhau sống cầu nguyện và huynh đệ, đối thoại với con người và văn hoá địa phương, là họ sống niềm vui tuyệt vời của việc loan báo Tin Mừng. (CSR_2486_2022)