Toà Thánh: Không thất vọng trước tiến độ chậm chạp của chương trình giải trừ vũ khí hạt nhân

Toà Thánh: Không thất vọng trước tiến độ chậm chạp của chương trình giải trừ vũ khí hạt nhân



Phát biểu tại Đại hội đồng lần thứ 66 của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hôm 26/9, Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh, đã mời gọi các quốc gia không thất vọng trước tiến độ chậm chạp của chương trình giải trừ vũ khí hạt nhân.

Ngọc Yến – Vatican News

Đức Tổng Giám Mục nói rằng trước tình hình bất ổn của thế giới hiện nay liên quan đến sự leo thang chiến tranh ở Ucraina, cùng với những lời đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân, làm cho không gian đối thoại bị thu hẹp, các thành viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế không bao giờ được từ bỏ việc tìm kiếm con đường đối thoại. Bởi vì đối thoại có thể nuôi dưỡng tư duy phê bình, có lý trí và khách quan, giúp chống lại niềm tin và định kiến sai lầm.

Ngoại trưởng Toà Thánh nhấn mạnh: “Vào thời điểm vô cùng bất ổn này, khi thế giới dường như đang ở ngã ba đường, và mối đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân đã trở lại ám ảnh chúng ta, Toà Thánh kêu gọi tất cả các quốc gia hãy để vũ khí im tiếng và loại bỏ những nguyên nhân gây ra xung đột qua đối thoại và đàm phán không mệt mỏi”.

Đức Tổng Giám Mục nhắc lại việc Toà Thánh đã ký và phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân với mục tiêu tiến tới một thế giới hoàn toàn không có vũ khí hạt nhân, khẳng định vũ khí hạt nhân là vũ khí hủy diệt hàng loạt và gây hại cho môi trường, đồng thời mời gọi mọi người không thất vọng trước tiến độ chậm chạp trong chương trình giải trừ quân bị, đặc biệt là giải trừ vũ khí hạt nhân.  

Trong bài phát biểu, Ngoại trưởng Toà Thánh còn nghi nhận những đóng góp quan trọng của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế trong việc giúp đạt được một thế giới không còn vũ khí hạt nhân, như các thỏa thuận bảo vệ toàn diện giữa Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế và gần 180 quốc gia, nhiều quốc gia trong số này cũng đang thực hiện các nghị định thư bổ sung, giúp đảm bảo rằng họ không thực hiện các chương trình vũ khí hạt nhân bí mật. Điều này xây dựng lòng tin, đồng thời phục vụ mục tiêu rộng lớn hơn là không phổ biến vũ khí hạt nhân. Nó cũng giúp tạo nền tảng cho hợp tác quốc tế trong công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình và chia sẻ lợi ích với các nước đang phát triển.



Source link

administrator

Related Articles