Phát biểu tại Hội nghị kiểm điểm lần thứ 10 Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân, diễn ra từ ngày 01 đến 26/8, Đức Tổng Giám Mục Gabriele Caccia, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc khẳng định rõ quan điểm của Tòa Thánh, tuyên bố rằng năng lượng nguyên tử chỉ được sử dụng cho các mục đích hòa bình.
Ngọc Yến – Vatican News
Đức Tổng Giám Mục nói rằng Tòa Thánh nhân cơ hội này để tái khẳng định cam kết của mình với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), và kêu gọi các Quốc gia Thành viên tăng cường hỗ trợ cho Cơ quan này.
Ngài lưu ý rằng công nghệ hạt nhân đã đóng góp vào sự phát triển bền vững bằng cách thúc đẩy cuộc chiến chống ung thư, cải thiện năng suất cây trồng, quản lý và bảo vệ nguồn cung cấp nước, và giám sát ô nhiễm đại dương. Tuy nhiên, ngoài những thành tựu trên, việc phổ biến công nghệ hạt nhân đã xảy ra một số vấn đề rất nghiêm trọng, như xử dụng cho mục tiêu chiến tranh, gây ô nhiễm phóng xạ cho môi trường.
Đức Tổng Giám Mục nói tiếp: “Tòa thánh nhắc lại rằng Nghị định thư I của Công ước Genève cấm các vụ tấn công nhằm vào các nhà máy điện hạt nhân và kêu gọi việc bảo vệ các đối tượng dân sự phải được ưu tiên trong chương trình nghị sự quốc tế, bao gồm cả việc bảo vệ các nhà máy hạt nhân”.
Ngài nhấn mạnh: “Hơn nữa, các quốc gia phải thực hiện các bước để làm sạch các môi trường bị ảnh hưởng bởi tai nạn hạt nhân và khai thác uranium, hỗ trợ các cộng đồng đang chịu ảnh hưởng và đồng ý về các giải pháp lưu trữ lâu dài đối với chất thải phóng xạ mức độ cao”.
Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh cũng kêu gọi các quốc gia cùng theo đuổi việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Về vấn đề này, ngài nói: “Tòa Thánh hoan nghênh việc khai trương Ngân hàng Uranium làm giàu ở cấp độ thấp ở Kazakhstan và kêu gọi nỗ lực hơn nữa để đa phương hóa chu trình nhiên liệu hạt nhân, đặc biệt là những phần gây ra mối đe dọa lớn nhất đối với phổ biến vũ khí hạt nhân”.
Kết thúc bài phát biểu, Đức Tổng Giám Mục Caccia nhấn mạnh rằng các thế hệ hiện tại và tương lai “xứng đáng có một trật tự thế giới hòa bình dựa trên sự hiệp nhất của gia đình nhân loại, sự tôn trọng, hợp tác, liên đới và nhân ái. Bây giờ là lúc để chống lại lý luận của nỗi sợ hãi bằng đạo đức của trách nhiệm, và do đó, thúc đẩy bầu khí tin cậy và đối thoại chân thành”.