Cô Alexandra Dabas, người Pháp, năm nay 24 tuổi đã quyết định bỏ sự nghiệp đầy hứa hẹn trong dịch vụ công, để trở thành thừa sai Lòng Thương Xót, với mục đích làm chứng cho đức tin với những người nghèo nhất của thành phố Aubervilliers.
Ngọc Yến – Vatican News
Sinh ở Belfort, Alexandra Dabas lớn lên trong một gia đình có cha là quân nhân, vì vậy gia đình với sáu người con cũng đi theo ông khi ông thay đổi nhiệm vụ. Đối với Alexandra đó là một cuộc sống khá đặc biệt, nhưng điều quan trọng là cha mẹ, những người Công giáo thực hành, luôn sống tin tưởng và phó thác. Cô nói: “Đó là điểm trọng tâm trong giáo dục của cha mẹ đối với chúng tôi, giúp chúng tôi yên tâm và ổn định. Mặc dù phải thay đổi liên tục chỗ ở, tôi cảm thấy được đồng hành. Chúng tôi thường xuyên cầu nguyện. Nền tảng này của cuộc sống gia đình đã ghi dấu ấn rất nhiều nơi chúng tôi, bảo vệ chúng tôi rất nhiều thứ và giúp chúng tôi học cách yêu thương nhau”.
Tới thời niên thiếu, cuộc sống Alexandra thay đổi, cô có cảm tưởng thiếu một điều gì đó. Điều này tiếp tục diễn ra khi cô học đại học ở Lille, rồi ở Bruxelles. Ở môi trường này cô đã chứng kiến những nạn nhân của tình dục, ma túy và rượu… Cô cảm thấy mình ở giữa hai lựa chọn với những khác biệt, một bên là hình mẫu gia đình đã được giáo dục và một bên là những gì thế giới bên ngoài cung cấp, cô cảm thấy bị cô lập. Thêm vào đó hai người bạn thân nhất đã qua đời trong khi cô đang ở nội trú, càng làm cho Alexandra cảm thấy cô đơn hơn, nhận ra cuộc sống thật mong manh.
Sau đó cô bắt đầu bỏ học với cảm giác có điều gì đó tưởng chừng như chắc chắn đã bị vỡ vụn bên trong. Cảm giác trống vắng bởi vì sự ra đi của hai người bạn và cô cảm thấy mình có lỗi về điều này. Cô tự hỏi: “Tại sao lại là họ, mà không phải tôi? Tôi có hiện diện đủ với các bạn trong suốt cuộc đời của họ không?” Chính trong giai đoạn này, những suy nghĩ đen tối đã xâm chiếm cô. Ngập tràn nỗi buồn đến nỗi cô tự hỏi liệu mình có đáng sống không.
Một ngày nọ, khi mọi thứ dường như trở nên vô vọng với cô, cô gái trẻ bước vào một nhà thờ ở Paris để tìm “một nơi bình yên”. Trước mặt Mình Thánh Chúa đang được đặt trên bàn thờ, đầu tiên cô có những lời lẽ chống lại Chúa. Cô chia sẻ: “Tôi thưa với Chúa rằng cuộc đời tôi vô ích, tôi đang phải chiến đấu, tôi không thể chịu đựng được nữa, quá khó”. Cô đã ở trong nhà thờ rất lâu. Không có gì đặc biệt xảy ra. Tuy nhiên, ngày tháng trôi qua, Alexandra cảm thấy cô được Chúa đáp lời. Cô nói: “Ngay lập tức không dễ dàng gì, nhưng trong một tuần cuộc sống hàng ngày của tôi bị đảo lộn hoàn toàn: Tôi nghỉ học ở nội trú, cùng một người bạn đi đến một nơi khác lập nghiệp”.
Chính tại nơi ở mới này, mọi thứ bắt đầu lắng dịu. Cô nói: “Trong một lần đang cầu nguyện ở nhà thờ, tôi đã được bình an thực sự. Tôi cảm thấy được an ủi khi biết rằng một con đường chữa lành đang chờ đợi tôi. Tôi biết Chúa yêu tôi, và nhận ra rằng Chúa đang cứu tôi và chỉ có Người mới có thể nâng tôi dậy. Mọi thứ đã thay đổi một cách rất quyết liệt”.
Từng chút một, Alexandra tái khám phá hương vị cuộc sống và hoàn thành các nghiên cứu đầy tham vọng liên quan đến văn học, sau đó là khoa học chính trị. Cô tham gia vào các nhóm cầu nguyện. Một thời gian sau, thiếu nữ bắt đầu có một sự nghiệp đầy hứa hẹn trong dịch vụ công. Mọi thứ dường như được vạch ra một cách hoàn hảo. “Trong quá trình làm việc, tôi cảm thấy một sự thoải mái, thật dễ dàng. Tuy nhiên, trực giác của tôi cho tôi biết rằng tôi phải sử dụng tài năng của mình ở việc khác và nơi khác”, cô giải thích.
Từ đây, ý tưởng dành một năm cho Lòng Thương Xót đã ra đời tại một hiệp hội Công giáo dấn thân giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn nhất. Từ tháng 9 tới, cô sẽ sống trong một căn hộ chung ở thành phố Aubervilliers, ngoại ô Paris cùng với năm nhà thừa sai trẻ khác. Chương trình của họ gồm: đời sống cầu nguyện, đời sống huynh đệ và việc loan báo Tin Mừng qua các hành động hàng ngày với những người nghèo nhất, như viếng thăm các gia đình, sinh hoạt với trẻ em, phục vụ giáo xứ. Cô nóng lòng muốn bắt đầu trải nghiệm, chạm đến thực tế sứ vụ này.
Nói về hoạt động bác ái này, Alexandra chia sẻ: “Sáng kiến này truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều cho cuộc sống, giúp tôi tìm ra cách tốt nhất để phục vụ người khác và xã hội”.