Trong bài chia sẻ khai mạc khoá đào tạo về bí tích giải tội có chủ đề “Các tội của con đã được tha. Cử hành bí tích Giải tội ngày nay”, Đức Hồng y Mauro Piacenza, Chánh Toà Ân giải Tối cao, nhận xét rằng “trong thời đại mà chiều kích siêu nhiên bị coi là một thực tế chủ quan, Xưng tội có vẻ là điều vô ích nhưng đó cũng là một cách yêu thương bản thân một cách nghiêm túc.”
Hồng Thủy – Vatican News
Chiều ngày 13/10/2022, khoá đào tạo kéo dài hai ngày về bí tích Giải tội dành cho những giáo dân mong muốn đào sâu kiến thức và sự hiểu biết về bí tích này đã khai mạc tại trụ sở của Toà Ân giải Tối cao ở Roma.
Trong bài chia sẻ khai mạc, Đức Hồng y Piacenza nêu bật ba khía cạnh cốt yếu của bí tích Hoà giải, tương ứng với ba nhân đức đối thần: tin, cậy và mến.
Xưng tội là một hành động của đức tin
Trước hết, Xưng tội là một hành động của niềm tin vào Thiên Chúa. Đức Hồng y khẳng định rằng “Nếu Bí tích Giải tội được cử hành như một hành động đức tin thực sự thì chúng ta không cảm thấy đó là một điều khó chịu, bởi vì trong đó linh hồn được kêu gọi ở bên Thiên Chúa, trước Đấng Toạ Hoá của mình, trước Đấng biết mọi sự về mình.”
Là một hành động đức tin có nghĩa là biết rằng bí tích vừa là sứ vụ Chúa Kitô trao cho Giáo hội của Người để tha thứ tội lỗi vừa nhận biết về tội lỗi của mình. Nó cũng có nghĩa là phó thác tin tưởng trong vòng tay của Chúa Cha. Hối nhân biết rằng mình đến toà Giải tội là vì Chúa Kitô, không vì linh mục giải tội. Và việc xưng tội cũng là một hành động tin tưởng của Thiên Chúa đối với chúng ta, với mỗi người chúng ta.
Xưng tội là một hành động của hy vọng
Xưng tội cũng là một hành động của hy vọng. Chánh Toà Ân giải Tối cao giải thích rằng với việc xưng tội, mỗi chúng ta hy vọng vào sự trợ giúp của Chúa và vì thế bí tích này “liên tục mở tâm trí và trái tim của hối nhân đến cuộc sống mới”; đây cũng là một hành động hy vọng liên quan đến sự sống vĩnh cửu. Đức Hồng y khẳng định: “Trong bối cảnh thế tục hóa trong đó chiều kích siêu nhiên bị xem như niềm tin chủ quan và trong đó người ta hầu như hoàn toàn đánh mất nhận thức về tầm quan trọng của hành vi của mình, ngay cả đối với việc đi vào cuộc sống vĩnh cửu, không ngạc nhiên nếu bí tích Hoà giải không được thông hiểu và thậm chí bị xem là vô ích.”
Xưng tội là một hành động bác ái
Cuối cùng, theo Đức Hồng y Piacenza, Xưng tội là một hành động bác ái. Còn gì tốt hơn là được “trút bỏ gánh nặng tội lỗi, được nhìn thực tại và bản thân bằng đôi mắt mới?” Xưng tội giúp “biết mình, yêu chính mình thực sự, tự sở hữu mình và dâng hiến cho Chúa và cho tha nhân”. Xưng tội cũng là một hành động bác ái đối với Thiên Chúa. Xưng tội là một cách để bày tỏ với Thiên Chúa “tình yêu của chúng ta, nỗi đau của chúng ta vì tội lỗi, chính bằng cách trở về với Người”. Xưng tội, thực tế cũng là việc đền tội.