Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh tham dự Hội nghị Quốc tế về các Xã hội Gắn kết (ICCS) ở Singapore, từ ngày 06 đến 08/9/2022. Trong bài phát biểu, Đức Hồng Y khẳng định sự đa dạng và tình liên đới là những yếu tố quan trọng cho xã hội gắn kết.
Ngọc Yến – Vatican News
Hội nghị với chủ đề “Những Căn tính vững chắc, Những Cộng đồng được kết nối” do Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) và Đại học Công nghệ Nanyang phối hợp tổ chức và được tài trợ bởi Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên Singapore.
Trong ba ngày này, tại Trung tâm Hội nghị Raffles ở Singapore, có khoảng 800 tham dự viên từ hơn 40 quốc gia bao gồm các nhà lãnh đạo tôn giáo, học giả, các nhà hoạt động xã hội dân sự và các nhà hoạch định chính sách tham gia Hội nghị.
Được thành lập vào năm 2019 nhờ sáng kiến của Tổng thống Halimah Yacob của Singapore, Hội nghị Quốc tế về các Xã hội Gắn kết thúc đẩy đối thoại liên tôn và đa văn hóa. Ông thúc đẩy việc thành lập Hội nghị để giới thiệu cách tiếp cận độc đáo của thành phố trong việc điều hành mối quan hệ cộng đồng với một nhóm dân cư đa dạng.
Từ Vatican, Đức Hồng Y Parolin tham dự Hội nghị trực tuyến. Trong bài tham luận tại buổi khai mạc, Quốc vụ khanh Toà Thánh kêu gọi tất cả mọi người tham gia vào “một đoàn người liên đới, một cuộc hành hương thiêng liêng” để đạt đến công ích cho tất cả mọi người.
Ngài liệt kê sáu điểm hành động để thiết lập một xã hội gắn kết: 1) Mọi người đều là nhân tố thúc đẩy tinh thần liên đới; 2) Xây dựng tình liên đới với sự lãnh đạo của người trẻ; 3) Liên đới là một dấn thân tạo ra những thành phố chào đón, “giàu tính nhân văn và hiếu khách, nếu tất cả chúng ta luôn quan tâm và tử tế với những người đang cần giúp đỡ; và nếu chúng ta có thể tham gia một cách xây dựng và hợp tác vì lợi ích của tất cả mọi người”; 4) Liên đới là có trách nhiệm về các vấn đề của người khác; 5) Liên đới được xác định bởi sự gần gũi và quảng đại, và bao gồm việc chăm sóc lẫn nhau; 6) Liên đới là cách tạo nên lịch sử.
Đức Hồng Y nói: “Liên đới đòi hỏi phải khắc phục những hậu quả tai hại của thói ích kỷ để nhường chỗ cho lòng can đảm của những cử chỉ lắng nghe. Theo nghĩa này, liên đới là một phương tiện tạo nên lịch sử”. Ngài lưu ý rằng xã hội đương đại được đặc trưng bởi “những hình thức mới của sự bất an của cá nhân và sự phân mảnh của cộng đồng”, là kết quả của những biến đổi xã hội, văn hóa, nhân khẩu học và kinh tế.
Quốc vụ khanh Toà Thánh cũng nói rằng các cá nhân chia sẻ trách nhiệm khởi xướng và tạo ra các quy trình và chuyển đổi mới, và trở thành “những người tham gia tích cực” trong việc phục hồi và hỗ trợ các xã hội bị tổn thương hiện nay. Ngài cũng nhìn nhận rằng có một “cuộc khủng hoảng lớn về tình liên đới trong xã hội chúng ta” và nói thêm rằng “xã hội chúng ta ngày càng ít chú ý đến tính năng động của tình liên đới”.
Cuối cùng Đức Hồng Y Parolin chia sẻ quan điểm Kitô giáo về tình liên đới. Ngài giải thích rằng các Kitô hữu được mời gọi thực hành tình liên đới vì Chúa đã tỏ mình ra cho họ như một “Thiên Chúa của sự liên đới”.