Chính phủ Hoa Kỳ vinh danh tông đồ “Sao Biển” của Thái Lan

Chính phủ Hoa Kỳ vinh danh tông đồ “Sao Biển” của Thái Lan



Hôm 19/7, tại một buổi lễ, ông Antony Blinken, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã vinh danh Tổ chức “Stella Maris – Sao Biển” của Giáo phận Chanthaburi của Thái Lan vì đã làm việc không mệt mỏi nhằm hỗ trợ những người làm việc trên biển không bị trở thành nạn nhân của nạn buôn người.

Ngọc Yến – Vatican News

Bà Apinya Tajit, Phó Giám đốc đại diện Tổ chức nhận vinh dự này. Bà là người đã làm việc với mạng lưới hàng hải toàn cầu “Sao Biển” từ năm 2005, và trong bảy năm qua đã đưa ra nhiều hoạt động để chấm dứt thảm hoạ buôn người.

Bà Apinya Tajit cùng Tông đồ Sao Biển đã giúp đỡ hàng trăm công nhân làm việc trong lĩnh vực đánh bắt cá của các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Myanmar và Bangladesh, đồng thời có vai trò tích cực trong việc nâng cao nhận thức về nạn buôn bán trẻ em, đến thăm các trường học trên khắp Thái Lan để giáo dục hơn 10.000 học sinh mỗi năm.

Nói về vinh dự này bà cho biết: “Đây là điều hoàn toàn bất ngờ đối với tôi và tôi cảm thấy rất tự hào. Tông đồ Sao Biển hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật ở Thái Lan để hỗ trợ các ngư dân và thuyền viên bị buôn bán. Chúng tôi hỗ trợ bằng cách giúp xác định nạn nhân, giải cứu, giúp họ tái hòa nhập xã hội. Chúng tôi cung cấp đào tạo, tiếp cận tư vấn pháp luật, và tài trợ để giúp họ tái xây dựng cuộc sống. Tông đồ Sao Biển tham gia vào mọi quá trình mà các nạn nhân phải đối diện, để họ không phải chiến đấu một mình”.

Bà kể lại một câu chuyện trong số nhiều trường hợp bà và Tổ chức đã giải cứu những người đi biển: “Lần kia, một con tàu trên đó có chín thuyền viên gửi thư xin giúp đỡ. Họ nói rằng họ bị thương và rất mong được về với gia đình. Bản năng làm mẹ của tôi ngay lập tức trỗi dậy và tôi ra đi giải cứu họ. Các thuyền viên đã được cứu, vụ án được khởi kiện thành công, và các thuyền viên đã nhận được tiền nợ và tiền bồi thường. Họ đã được đưa về nhà an toàn”.

Bà Apinya nhấn mạnh rằng mọi người cần nhận ra rằng nạn buôn người vẫn đang diễn ra ở khắp mọi nơi chứ không chỉ ở các nước đang phát triển. Bà cũng nói rằng việc giúp loại bỏ thảm kịch này tùy thuộc vào mỗi chúng ta.

Bà kết luận: “Chúng ta hãy làm những gì đúng chứ không phải những gì dễ dàng. Điều cần thiết là các công uớc hàng hải về bảo vệ nhân quyền của thuyền viên và ngư dân phải được thực hiện ở mọi quốc gia và mọi nơi trên thế giới. Đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng nhưng khi chúng ta cùng nhau làm việc thì mọi sự đều có thể”.



Source link

administrator

Related Articles