Ngày 22/9/2022, bên lề Đại hội đồng lần thứ 77 của Liên Hiệp Quốc ở New York, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh Pietro Parolin đã có cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Lavrov.
Hồng Thủy – Vatican News
Trên chuyến bay từ Kazakhstan về Roma hồi tuần trước, Đức Thánh Cha nói rằng chúng ta phải luôn luôn đối thoại, “bởi vì luôn có khả năng là khi đối thoại chúng ta có thể thay đổi nhiều điều.” Những lời này được Đức Hồng y Quốc vụ Khanh Toà Thánh chứng thực như nguyên tắc hướng dẫn qua cuộc gặp gỡ với Ngoại trưởng Nga.
Thông cáo từ Bộ Ngoại giao Nga
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga, trong cuộc gặp gỡ, Ngoại trưởng của Nga đã giải thích những lý do của cuộc khủng hoảng hiện tại giữa Nga và Tây phương chính là việc khối NATO mở cuộc “thánh chiến” để tiêu diệt Nga và phân chia thế giới. Ông nói rằng các biện pháp được Nga thực hiện nhắm bảo đảm tự do và độc lập cho quốc gia, cũng như chống lại tham vọng bá quyền của Hoa Kỳ nhằm kiểm soát mọi tiến trình của thế giới.
Thông cáo cũng nói rằng hai bên, Nga và Toà Thánh, “đã ghi nhận sự phát triển hiệu quả của đối thoại Nga-Vatican, ngay cả ở cấp cao nhất và có thẩm quyền nhất, cả trong phạm vi liên bang và liên hệ phái tôn giáo. Một số vấn đề thời sự về hợp tác song phương và quốc tế cũng được đề cập.”
ĐHY Parolin kêu gọi cấm thử vũ khí hạt nhân
Cũng trong ngày 22/9/2022, trong bài phát biểu tại cuộc họp lần thứ 10 của tổ chức “Những Người Bạn của CTBT” – từ viết tắt của Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện – một nhóm được thành lập vào năm 2002 và bao gồm Úc, Canada, Phần Lan, Đức, Nhật Bản và Hà Lan, Đức Hồng y Parolin tái khẳng định rằng “khi căng thẳng toàn cầu gia tăng và chúng ta nghe thấy những lời hùng biện đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, điều quan trọng hơn bao giờ hết là phải đưa Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện có hiệu lực.”
Tuyên bố của Quốc vụ khanh Toà Thánh lặp lại vô số lời Đức Thánh Cha kêu gọi giải trừ vũ khí và sự cần thiết phải chấm dứt buôn bán vũ khí. Hôm thứ Tư 21/9/2022, trong buổi Tiếp kiến chung, nói về cuộc chiến tại Ucraina, nhận định rằng trong “cuộc chiến bi thảm” này, một số người “đang nghĩ về vũ khí hạt nhân”, Đức Thánh Cha gọi đó là “một sự điên rồ”. (CSR_3960_2022)