Ngoại trưởng Tòa Thánh nói về quan hệ với Trung Quốc và tình hình Thánh Địa

Ngoại trưởng Tòa Thánh nói về quan hệ với Trung Quốc và tình hình Thánh Địa



Tòa Thánh mong muốn có những tiến bộ trong quan hệ giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, đồng thời bày tỏ quan tâm về tình hình bạo lực gia tăng tại Thánh Địa. Lập trường trên đây được Đức TGM Paul Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh, bày tỏ trong cuộc phỏng vấn dài dành cho ký giả Gerard O’Connell, được phổ biến ngày 19/7/2022, trên tạp chí “America” của dòng Tên tại Mỹ.

Giuse Trần Đức Anh O.P.

Đức Tổng Giám mục Gallagher người Anh, năm nay 68 tuổi (1954), phục vụ từ 38 năm nay trong ngành ngoại giao Tòa Thánh: bắt đầu từ Tanzania, rồi Uruguay, Philippines, và Bộ ngoại giao, trước khi được thăng TGM sứ thần Tòa Thánh tại Burundi năm 2004, rồi chuyển sang Guatemala (2009), trước khi được bổ làm Sứ thần Tòa Thánh tại Australia năm 2012. Nhưng chỉ sau 2 năm tại đây, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm ngoại trưởng Tòa Thánh.

Hiệp định tạm thời với Trung Quốc

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Tổng Giám mục  ngoại trưởng Tòa Thánh đã trả lời đặc biệt những câu hỏi về hiệp định tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc liên quan tới việc bổ nhiệm các Giám mục .

Theo Hiệp định, Đức Giáo Hoàng có tiếng nói cuối cùng trong việc bổ nhiệm Giám mục , việc chọn ứng viên trong thực tế là do Hội Công Giáo Yêu Nước đề nghị. Trong thời gian qua nhiều báo chí đã phê bình Hiệp định này, cho rằng nó không cải tiến tình trạng các tín hữu Công Giáo ở Trung Quốc. Ví dụ Đức Hồng Y George Pell, nguyên Bộ trưởng kinh tế của Tòa Thánh, nói rằng “Tôi không nghĩ chúng ta được lợi gì với hiệp định này… Sự kiện hiệp định tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc không được công bố cho thấy” có một khó khăn tiên khởi và rất quan trọng” đối với những người quan tâm đến tương lai của Giáo Hội tại Trung Quốc. Tôi biết có những người cao cấp ở Vatican rất bất mãn với cách thức sự việc đang diễn ra”.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Tổng Giám mục Gallagher cho biết trong 4 năm qua, từ sau khi ký hiệp định hồi tháng 8 năm 2018, đã có 6 Giám mục  được bổ nhiệm, vì thế không thể nói là Hiệp định này không có kết quả. Và có một số bổ nhiệm đang chờ theo sau. Đức Tổng Giám mục nói: “Tôi muốn được thấy có thêm kết quả, và có nhiều điều phải làm. Nhưng hiệp định chỉ có mức độ nào đó. Lẽ ra hiệp định có thể mang lại kết quả nhiều hơn, nhưng chúng ta gặp đại dịch Covid-19 và các phái đoàn hai bên không thể gặp nhau trong những năm gần đây. Vì thế chúng tôi đang làm việc bây giờ, và cố gắng tiến bước, làm cho hiệp định hoạt động và hoạt động tốt hơn”.

Đức Tổng Giám mục giải thích rằng hai bên, Tòa Thánh và Trung Quốc, quyết định không nhóm họp dưới dạng trực tuyến trong thời đại dịch. “Dầu sao chúng tôi hy vọng có cuộc gặp gỡ nhau trong tương lai gần. Chúng ta còn phải chờ xem, họp ở Roma hay Bắc Kinh.”

Theo Đức Tổng Giám mục Ngoại trưởng, không có tiến bộ nào về những vấn đề không được đề ra trong hiệp định: hai phái đoàn chỉ thảo luận về những gì được nói đến trong hiệp định. “Tôi nghĩ hiệp định có chức năng là một biện pháp kiến tạo sự tin tưởng, tín nhiệm nhau. Nếu chúng tôi có thể làm việc thành công với chính quyền Trung Quốc về việc bổ nhiệm các Giám mục , thì hiển nhiên điều này cũng giúp cả hai bên bắt đầu cứu xét các vấn đề khác nữa”.

Tại sao không công bố hiệp định?

Ký giả O’Connell cũng nêu câu hỏi: tại sao Tòa Thánh và Trung Quốc không công bố văn bản hiệp định tạm thời đã ký kết? Nhiều Hồng Y và Giám mục  Á châu phê bình về điều này. Đức Tổng Giám mục Gallagher đáp:

“Văn bản hiệp định này đã được soạn ra trước khi tôi nhận nhiệm vụ ngoại trưởng, [tức là cách đây 7 năm rưỡi], và hiệp định không thay đổi gì đáng kể từ đó đến nay. Tôi tin rằng ngay từ đầu, hai bên đã cùng đồng ý không công bố văn bản hiệp định, ít nhất là cho đến khi được hai bên ký chung kết. Ngoài ra, có một cố gắng cải tiến văn bản hiệp định. Khi chúng tôi thấy một số điều không diễn tiến tốt, thì có thể đó là lúc cần thay đổi và cải tiến văn bản.”

Cũng nên nhắc lại rằng, trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Reuters phổ biến ngày 5/7 vừa qua, chính Đức Thánh Cha cũng bênh vực hiệp định và ngài cho rằng hiệp định này tiến hành tốt, đồng thời hy vọng Hiệp định có thể gia hạn vào tháng 10 tới đây.

Đức Thánh Cha cũng bênh vực chính sách “từng bước nhỏ”, chính sách “tử đạo kiên nhẫn” mà Đức Hồng Y Agostino Casaroli, cố Quốc vụ khanh, người đã đề xướng chính sách “Ostpolitik”, đối với chế độ cộng sản Đông Âu hồi đó trong khối Xô Viết.

Tình hình Giáo Hội tại Hong Kong

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Tổng Giám mục ngoại trưởng Tòa Thánh cũng được hỏi về tình hình tự do tôn giáo tại Hong Kong ngày càng bị nhà nước Trung Quốc siết lại. Như Đức Giám mục  sở tại Stephano Chu Thủ Nhân mới đây đã nhận xét trong một bài đăng trên báo giáo phận (Sunday Examiner, 2/6/2022): Tôi cảm thấy “Hong Kong, kể cả Giáo Hội chúng tôi, đang trở thành như cuộc sống giữa các khe nứt. Và khoảng trống đối với tự do ngôn luận của chúng tôi, tự do mà chúng tôi đã coi là điều đã được bảo đảm, dường như đang thu hẹp”, Tòa Thánh xem tình hình tại Hong Kong thế nào?

Đức Tổng Giám mục Gallagher đáp: “Tòa Thánh dấn thân bảo vệ tự do tôn giáo. Nếu Đức Giám mục  cảm thấy không gian dành cho các tín hữu Công Giáo Hong Kong bị thu hẹp, thì chắc chắn chúng tôi rất tiếc về điều đó, và chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ như chúng tôi có thể. Hiển nhiên tình thế đã thay đổi nếu đó là điều mà Đức Cha đang nói. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ khuyến khích dân chúng tận dụng tự do mà họ có, tận dụng không gian họ có được, như chúng ta đang làm tại nhiều nước trên thế giới. Tự do tôn giáo không phải là điều được bảo đảm nhiều lắm ngày nay; có nhiều giới hạn tự do của dân chúng. Và Tòa Thánh đang hoạt động để cố gắng và trợ giúp, cải tiến những tình trạng đó bất kỳ ở đâu, dù là ở Hong Kong hay nơi khác.

Tòa Thánh quan tâm về tình hình Thánh Địa

Đức Tổng Giám mục Ngoại trưởng cũng đặc biệt bày tỏ quan tâm vì tình hình biến chuyển tại Thánh Địa. Ngài nhìn nhận rằng “tình hình tại Thánh Địa rất tế nhị: bạo lực ngày càng trở thành một vấn đề. Có những nhược điểm về cơ chế từ cả hai phía Israel và Palestine, như chúng ta thấy chính phủ của thủ tướng Bennett-Lapid sụp đổ. Cũng có nhiều vấn đề còn tồn đọng từ phía người Palestine. Hiển nhiên là có sự gia tăng thất vọng nơi những người trẻ ở cả hai phía.”

“Cái chết của nữ ký giả Công Giáo Shireen Abu Akleh gây sốc cho mọi người. Nhưng đó chỉ là một ví dụ về các vấn đề tại Thánh Địa. Tôi thiết nghĩ chúng ta cần tái quyết tâm tìm kiếm hòa bình và đối thoại, cũng như cố gắng thăng tiến quyết tâm của Tòa Thánh đối với giải pháp 2 quốc gia, một qui chế quốc tế cho thành Giêrusalem, điều mà người ta có xu hướng loại bỏ trong những năm gần đây.”

Đức Tổng Giám mục Gallagher cũng nhận xét rằng “chính phủ của Tổng thống Trump đã đưa ra một số đề nghị nhưng không được áp dụng. Tôi nghĩ có một ước muốn từ phía Mỹ tái tập trung vào Trung Đông. Nhưng rất tiếc là trên thế giới và trong các phương tiện truyền thông, chúng ta có xu hướng chú tâm vào một vấn đề trong lúc này, và cuộc chiến tại Ucraina đang tiêu hao mọi sự. Nhưng cũng còn những tình trạng khác đòi chúng ta phải chú ý: như Syria, Liban, cuộc xung đột Israel và Palestine. Cũng có những tình trạng khác đáng được cộng đồng thế giới chú ý”.



Source link

administrator

Related Articles