Trong Ngày quốc tế các nạn nhân của các hành vi bạo lực vì lý do tôn giáo hoặc tín ngưỡng 22/8, ông Thomas Heine-Geldern, Chủ tịch điều hành của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ nhấn mạnh rằng, các Kitô hữu là thành phần bị bách hại nhiều nhất trong các cuộc bách hại tôn giáo trên thế giới.
Ngọc Yến – Vatican News
Tháng 5/2019, theo đề nghị của Ba Lan, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết, ấn định ngày 22/8 hàng năm sẽ là Ngày quốc tế các nạn nhân của các hành vi bạo lực vì lý do tôn giáo hoặc tín ngưỡng.
Vui mừng trước quyết định của Liên Hiệp Quốc, ông Thomas Heine-Geldern, Chủ tịch điều hành của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ bày tỏ: “Chúng tôi đã chờ đợi ngày này từ lâu, vì điều đó thể hiện một bước quan trọng cho tương lai tiếng nói của các Kitô hữu bị bách hại được lắng nghe”.
Ông Thomas Heine-Geldern cũng nhấn mạnh rằng mặc dù “tất cả các cộng đoàn tôn giáo thường xuyên phải chịu các cuộc tấn công, các báo cáo quốc tế về tự do tôn giáo xác nhận rằng các Kitô hữu là những người bị bách hại nhiều nhất”.
Trong Báo cáo năm 2021 về tình trạng tự do tôn giáo trên thế giới Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ đã chỉ ra rằng có khoảng 5,2 tỷ người, tức là khoảng 67% dân số thế giới, sống ở các quốc gia vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo, bao gồm cả các quốc gia đông dân nhất trên hành tinh: Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan.