Giáo hội Công giáo Ethiopia kêu gọi các bên đối thoại

Giáo hội Công giáo Ethiopia kêu gọi các bên đối thoại



Cuộc chiến đẫm máu đã hoành hành tại Ethiopia từ tháng 11/2020 đang dẫn đến sự tàn phá đất nước và suy thoái kinh tế. Trong bối cảnh đó, Giáo hội Công giáo Ethiopia bày tỏ mối quan tâm đặc biệt về những người sống ở khu vực Tigray, Amhara, Afar và các khu vực khác của đất nước.

Văn Yên, SJ – Vatican News

Ban thư ký của các Giám mục Công giáo Ethiopia cho biết: “Cho đến nay, có quá nhiều người chết và tài sản bị phá hủy. Những vết sẹo lớn nhất là của trẻ em, phụ nữ và người già.”

Các giám mục Ethiopia bày tỏ sự dấn thân của mình, với tư cách cá nhân hoặc phối hợp với các tổ chức tôn giáo khác, cho các tiến trình đối thoại dẫn đến hòa bình. Các giám mục kêu gọi: “Chúng tôi lặp lại lời kêu gọi chân thành của chúng tôi đối với tất cả các bên, hãy hạ vũ khí và quay trở lại các lựa chọn cho hòa bình, ưu tiên đối thoại và chấm dứt việc gây đau khổ cho người dân của chúng ta”.

Các giám mục nhấn mạnh, “Không thể chấp nhận cuộc chiến này tiếp diễn, tiếp tục gây ra nạn đói, bệnh tật, chấn thương tâm lý, sự di dời của những người vô tội, và toàn bộ quốc gia phải vật lộn dưới áp lực của giá cả sinh hoạt”.

Cùng với lời kêu gọi của Hội đồng Liên tôn Ethiopia, Ban Thư ký các Giám mục đã mời gọi tất cả mọi người, Công giáo và không Công giáo, hiệp nhất trong lời cầu nguyện trong năm ngày của tháng Pagumen sắp tới, tháng thứ 13 theo lịch Ethiopia hiện đại, vì hoà bình và sự ổn định của đất nước.”

Trong khi đó, Dòng Salêdiêng Don Bosco đang dấn thân hỗ trợ vùng Tigray. Cha Hailemariam Medhin, Bề trên Tỉnh dòng Salêdiêng của Châu Phi-Ethiopia (AET) cho biết: “Kể từ khi chính phủ liên bang rời khỏi Tigray vào tháng 6/2021, không còn giao thương, điện thoại, internet, ngân hàng hoặc điện.” Do đó, các nhà truyền giáo Dòng Don Bosco đã gởi các nhu yếu phẩm như lúa mì, vitamin tổng hợp, dầu ăn, mì gói, gạo, muối, xà phòng, các sản phẩm vệ sinh và chăn mền đến cho người dân Tigray.

Lạm phát trong nước gia tăng và giá cả các nhu yếu phẩm cao khiến đa số dân chúng không thể chi trả. Cha Medhin cho biết: “Nhiều người tiếp tục chết do thiếu lương thực và thuốc men”. Khoảng 7 triệu người dân địa phương hiện đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.



Source link

administrator

Related Articles